Hotline: 0987 28 28 26

Văn học Nhật Bản tại Việt Nam: thực tiễn và những kỳ vọng về sự phát triển nhìn từ hội thảo “văn học Nhật Bản và sự tiếp nhận văn học Nhật Bản tại Việt Nam”

23/08/2021 1.876 lượt xem
Ngày 18/08 vừa qua, Quốc Tế Việt hân hạnh được là một trong hai đơn vị đồng hành cùng Viện Nghiên cứu phát triển văn hoá, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF) tổ chức hội thảo “Văn học Nhật Bản và sự tiếp nhận văn học Nhật Bản tại Việt Nam”, với sự tài trợ của Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (thuộc Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản- Bộ Ngoại giao Nhật Bản). Do ảnh hưởng của đại dịch Covid, Hội thảo diễn ra trực tuyến trên nền tảng Zoom, nhưng vẫn quy tụ được sự quan tâm của gần 90 người tham dự bao gồm các chuyên gia về văn hóa, văn học, ngôn ngữ Nhật Bản, các giảng viên và sinh viên một số trường đại học ở Hà Nội.
 
 
 

Tham dự sự kiện về phía đơn vị chủ trì (CLEF) có PGS.TS. Ngô Minh Thủy - Viện trưởng, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hà - Phó Viện trưởng, cùng các chuyên gia và nhân viên của Viện. Về phía đơn vị tài trợ có Ông Ando Toshiki - Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, bà Sugisaki Ai – chuyên gia Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, bà Trần Thị Việt Hà - cán bộ Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Về phía các đơn vị đồng hành có sự hiện diện của TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng thời là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện CLEF; Bà Phạm Thị Hường Giám đốc điều hành Công ty phát triển văn hóa giáo dục Quốc tế Việt. Hội thảo cũng chào đón sự tham gia của các thầy cô Ban chủ nhiệm Khoa tiếng Nhật của các Trường ĐH Ngoại ngữ- ĐHQGHN, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Hạ Long và một số trường đại học khác; các chuyên gia, các dịch giả, các nhà nghiên cứu, các cán bộ giảng dạy tiếng Nhật và Nhật Bản học tại các khoa và trường đào tạo tiếng Nhật, các sinh viên đang học tiếng Nhật ở các trường đại học và những người quan tâm đến văn học Nhật Bản. Diễn giả của Hội thảo là các nhà nghiên cứu văn hóa- ngôn ngữ, nhà văn, dịch giả hoặc giảng viên giảng dạy môn văn học Nhật Bản tại trường đại học: PGS.TS. Ngô Minh Thủy, TS. Ngô Tự Lập, Th.S. Nguyễn Đỗ An Nhiên, ThS. Nguyễn Quốc Vương, ThS. Phạm Thị Thu Hương, ThS. Hoàng Thu Trang.

Trong lời phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Ngô Minh Thủy đã trình bày mục đích, ý nghĩa Hội thảo và bày tỏ sự biết ơn đối với sự giúp đỡ của Trung tâm giao lưu văn hóa văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam - Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản và của các đơn vị đồng hành đã cùng CLEF tổ chức sự kiện ý nghĩa này trong thời điểm khó khăn dưới sự tác động của đại dịch Covid. PGS.TS. Ngô Minh Thủy chia sẻ: “Nhật Bản là quốc gia gần gũi Việt Nam về địa lý, về mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện và là một quốc gia có nền văn hóa (cũng như các thành tựu kinh tế) nhận được sự quan tâm to lớn của người dân Việt Nam. Nhật Bản cũng là một đất nước có nền văn học lớn với những đóng góp quan trọng đối với nền văn học thế giới. Nếu nhìn từ góc độ đó, có thể nói văn học Nhật Bản đương nhiên phải được đọc nhiều, được nghiên cứu nhiều, được nói đến nhiều tại Việt Nam (giống như trước đây, những tác phẩm văn học nổi tiếng của Pháp, của Nga v.v.. được dịch, được đọc, được biết đến rất nhiều tại Việt Nam). Tuy nhiên, có vẻ thực tế thì chưa hoàn toàn như vậy. Mặc dù đã có một số tác phẩm văn học Nhật Bản được dịch, được giới thiệu, được đọc tại Việt Nam, đặc biệt là trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây số lượng các tác phẩm văn học Nhật Bản được giới thiệu tại Việt Nam có tăng lên đáng kể, nhưng có thể khẳng định rằng văn học Nhật Bản chưa được biết đến rộng rãi và chưa được giới thiệu một cách có hệ thống tại Việt Nam. Và điều đó hoàn toàn chưa cân xứng với mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, chưa cân xứng với mối quan tâm của người Việt dành cho đất nước, văn hóa và con người Nhật Bản, cũng chưa cân xứng với tầm vóc của một nền văn học lớn như văn học Nhật Bản”. (Xem toàn văn bài phát biểu của PGS. TS. Ngô Minh Thủy tại đây.)


Thay mặt đơn vị tài trợ, Ông Ando Toshiki - Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, đã có bài phát biểu đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo trong việc thúc đẩy quảng bá văn học Nhật Bản tại Việt Nam nói riêng và thúc đẩy sự hiểu biết, chia sẻ các nền văn hóa- văn học đa dạng trên thế giới nói chung. Ông chia sẻ: Tôi nghĩ rằng ngoài các tác phẩm nổi tiếng, tác phẩm được nhiều người yêu thích thì vẫn còn nhiều kiệt tác, tác phẩm nổi tiếng tại Nhật Bản và trên thế giới chưa có mặt tại Việt Nam. Chính vì thế, nhiệm vụ quan trọng của công tác giới thiệu và dịch thuật văn học là mở rộng cơ hội cho nhiều người ở Việt Nam tiếp xúc với vẻ đẹp của văn học, nghệ thuật còn chưa được nhiều người biết đến.Tôi hy vọng buổi hội thảo hôm nay sẽ là cơ hội để giao lưu và chia sẻ sự phong phú và thú vị của văn học với đông đảo người quan tâm”. Ông cũng đánh giá cao các hoạt động của Viện CLEF trong hơn 1 năm từ khi mới thành lập, đặc biệt là trong “nỗ lực xây dựng nên môi trường và mạng lưới nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục, khoa học liên ngành, tạo ra những cơ hội mới ngoài lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ nhằm góp phần xây dựng cộng đồng nghiên cứu tại Việt Nam”, bày tỏ mong muốn Viện CLEF và các nhà chuyên môn tăng cường hợp tác với Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam để tạo thêm nhiều cơ hội giới thiệu giá trị của văn học đến đông đảo người quan tâm. (Xem toàn văn bản dịch tiếng Việt bài phát biểu của ông Ando Toshiki tại đây.)
    Phần nội dung chính của Hội thảo được mở đầu bằng báo cáo đề dẫn và tổng quan tình hình tiếp nhận và dịch văn học Nhật Bản tại Việt Nam do PGS. TS. Ngô Minh Thuỷ trình bày. Đánh giá tổng quan về tình hình tiếp nhận và dịch văn học Nhật Bản tại Việt Nam trong những năm qua, diễn giả khẳng định nền văn học Nhật Bản là một nền văn học lớn, có vai trò quan trọng trong nền văn học thế giới và là cái nôi của tiểu thuyết văn xuôi trên thế giới (với cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại: “Genji monogatari”). Tuy nhiên, số lượng tác phẩm văn học Nhật Bản được dịch sang tiếng Việt còn ít, số lượng tác phẩm được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật đã tăng lên trong thời gian gần đây nhưng cũng chưa nhiều; các tác phẩm văn học cổ điển, kể cả những tác phẩm nổi tiếng, chưa được dịch nhiều, hoặc chỉ được dịch trích đoạn, giới thiệu trong các giáo trình, tài liệu học tập; thơ ca truyền thống (tanka, haiku..) được dịch ít và còn ít được biết đến tại Việt Nam. PGS. Ngô Minh Thủy nhận định rằng mối quan tâm của người Việt Nam đối với văn học Nhật Bản chưa lớn, kể cả trong giới những người nghiên cứu, học tập tiếng Nhật và điều đó có nhiều lý do như:  số lượng tác phẩm được dịch/ giới thiệu ít;  sự hiểu biết về văn hóa Nhật Bản - nền tảng để “cảm thụ hay thẩm thấu” văn học Nhật Bản- chưa sâu; việc giới thiệu, giảng dạy về văn học Nhật Bản trong trường học và trên các phương tiện truyền thông chưa được quan tâm; các lý do khác như khó khăn trong vấn đề tiếp cận bản quyền, văn hóa đọc thay đổi, quan niệm dạy ngôn ngữ/ ngoại ngữ mang tính ứng dụng/ thực dụng hoặc nghiêng về ngôn ngữ kinh tế- thương mại, quan niệm coi văn hóa/ văn học Nhật Bản là khó hiểu, trừu tượng v.v .v.. Trong các lý do nêu trên, diễn giả cho rằng việc một số cơ quan liên quan chưa có chiến lược giới thiệu, quảng bá về văn học Nhật Bản một cách có hệ thống và toàn diện là một lý do quan trọng, mang tính quyết định. PGS. Ngô Minh Thủy cũng giới thiệu về dự án “Dịch thuật, nghiên cứu và quảng bá văn hóa Việt- Nhật” của Viện CLEF. Đây là dự án nhằm giới thiệu những công trình và giá trị văn hóa tiêu biểu của Nhật Bản cho nhân dân Việt Nam và những công trình, giá trị văn hóa tiêu biểu của Việt Nam cho nhân dân Nhật Bản, góp phần phát triển sự hiểu biết lẫn nhau, phục vụ sự phát triển vì lợi ích của hai quốc gia.

Tiếp theo báo cáo đề dẫn và tổng quan, Hội thảo đến với 5 báo cáo của 5 diễn giả.

Đầu tiên là diễn giả - dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên với phần giới thiệu tác phẩm  "Bồ Công Anh "  (Tanpopo) của Kawabata Ysunari. Đây là tác phẩm cuối cùng nhà văn Nhật Bản đầu tiên được giải Nobel văn học (1968). Với sự phân tích sâu sắc và tinh tế, diễn giả Nguyễn Đỗ An Nhiên đã mang đến cho Hội thảo những nét đẹp, độc đáo và mang đậm phong cách của Kawabata Yasunari trong tác phẩm "Bồ Công Anh " cũng như những câu chuyện về tác giả gắn với tác phẩm dở dang này. Theo diễn giả, mặc dù tác phẩm chưa được hoàn thành trước khi tác giả mất, nhưng giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo của tác phẩm vẫn được đánh giá cao và cần được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam.  Diễn giả Nguyễn Đỗ An Nhiên cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Nhật Bản, trong đó có “Ngàn cánh hạc” của Kawabata Yasunari.

Báo cáo của diễn giả Ngô Tự Lập có nhan đề “Những giọng nữ phi thường trong văn học cổ điển Việt Nam và Nhật Bản”. Với hiểu biết sâu rộng về văn học thế giới nói chung, văn học Việt Nam và văn học Nhật Bản nói riêng, diễn giả đã cho người nghe cảm nhận những phân tích sâu sắc và tinh tế về vai trò của các nhà văn nữ trong văn học Nhật Bản và Việt Nam. Theo diễn giả, những nhà văn, nhà thơ nữ của Việt Nam (như: Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương…) và của Nhật Bản (như: Murasaki Shikibu, Sei Shonagon…) cùng tác phẩm của họ có vị trí rất quan trọng và có giá trị cao trong nền văn học của Việt Nam và Nhật Bản. Diễn giả Ngô Tự Lập là một nhà văn, một dịch giả và nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng. Ông đã từng đọc nhiều và dịch một số thơ ca của Nhật Bản từ tiếng Anh và tiếng Pháp.

Diễn giả Phạm Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Đại học Hà Nội trình bày chủ đề “Học tiếng Nhật từ cách tiếp cận qua dịch văn học”. Diễn giả nhận định, việc học tiếng Nhật thông qua dịch các trích đoạn tác phẩm văn học là một phương pháp bổ ích, giúp cho người học tiếp cận được các tình huống, văn phong ngôn ngữ đa dạng, đồng thời cũng là cách giới thiệu các tác phẩm văn học Nhật Bản đến độc giả Việt Nam. Là người có kinh nghiệm giảng dạy và dịch thuật tiếng Nhật hơn 20 năm, với kinh nghiệm của bản thân, diễn giả đã có phần trình bày rất thiết thực và mang tính ứng dụng đối với việc dịch và xử lý các văn bản văn học, gợi được mối quan tâm lớn từ các chuyên gia tiếng Nhật và các em sinh viên tham dự hội thảo. Diễn giả Phạm Thu Hương cũng là dịch giả của một số tác phẩm văn học Nhật Bản.
 

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương - dịch giả tiếng Nhật, nhà nghiên cứu giáo dục, chuyên gia về văn hóa và văn học Nhật Bản – đã khái quát tình hình dịch và xuất bản các tác phẩm giành giải thưởng AKUTAGAWA RYUNOSUKE và NAOKI SANJUGO ở Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay. Từ sự hiểu biết sâu sắc hai giải thưởng văn học danh giá này và sự khảo sát khá kỳ công các dữ liệu liên quan đế việc dịch các tác phẩm đoạt hai giải thưởng văn học này tại Việt Nam,  diễn giả đưa ra các kết luận: 1) số lượng tác giả được giới thiệu, số lượng tác phẩm được dịch còn rất nhỏ (19/149 tác giả giải thưởng Akutagawa, 8/195 tác giả giải thưởng Naoki); một số tác giả lớn, có ảnh hưởng, được dịch nhiều trên thế giới nhưng được dịch và xuất bản ít, ví dụ: Oe Kenzaburo (1 tác phẩm), Shiba Ryotaro (1 tiểu thuyết+ vài truyện ngắn); tác giả viết truyện trinh thám (Keigo Higashino) và các tác giả trẻ 8x được giải gần đây được “ưu ái” : Asai Ryo (sinh 1989, đoạt giải Naoki 2012), Tsujimura Mizuki (sinh 1980, đoạt giải naoki 2012), Murata Sayaka (sinh 1979, giải Akutagawa 2016), Ono Masatsugu (sinh 1970, giải Akutagawa 2014) v.v.. Diễn giả cũng phân tích những hạn chế, khó khăn trong việc dịch và xuất bản các tác phẩm văn học Nhật Bản ở Việt Nam nói chung (vấn đề bản quyền, kinh phí, quảng bá, nhu cầu và thị hiếu người đọc…).

Cuối cùng, Hội thảo đã lắng nghe Ths. Hoàng Thu Trang - Trưởng Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội – phân tích về “Những dấu ấn trong lịch sử phát triển văn học Nhật Bản”. Trong khuôn khổ hạn hẹp về thời gian, báo cáo của diễn giả Hoàng Thu Trang đã đưa ra bức tranh khái quát và đầy đủ về các giai đoạn phát triển của nền văn học Nhật Bản (trước cổ đại, cổ đại, trung cổ, trung đại, cận thế, cận – hiện đại) cùng những dấu ấn lịch sử phát triển thông qua các tác giả và tác phẩm nổi tiếng mang dấu ấn riêng và hơi thở của thời đại. Cũng như diễn giả Ngô Minh Thủy, diễn giả Hoàng Thu Trang giảng dạy môn lịch sử văn học Nhật Bản tại Trường ĐH Ngoại ngữ- ĐH Quốc gia Hà Nội trong nhiều năm. Những kiến thức tổng quan mang tính hệ thống về các thời kỳ phát triển của văn học Nhật Bản rất cần thiết đối với các thế hệ sinh viên học ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về Nhật Bản. Qua dòng chảy của văn học, người ta có thể thấy dòng chảy lịch sử của đất nước Nhật Bản.

Những người tham dự Hội thảo thực sự bị cuốn hút bởi nội dung phong phú và hấp dẫn của các báo cáo. Rất nhiều câu hỏi, ý kiến trao đổi, thảo luận cởi mở đã được đặt ra cho các diễn giả và được các diễn giả phản hồi trực tiếp trong suốt quá trình diễn ra Hội thảo. Theo nhận định của các đại biểu tham dự  Hội thảo, đây là sự kiện chuyên môn có chất lượng tốt và thu hút được sự quan tâm lớn từ phía người tham dự.
Có thể nói, Hội thảo ngày 18/8 đã diễn ra thành công cả về chất lượng chuyên môn cũng như công tác tổ chức. Hội thảo đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về một hoạt động học thuật  bổ ích và thiết thực của CLEF trong năm 2021, đồng thời tạo động lực để CLEF tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu có ý nghĩa trong thời gian tới.

Một số hình ảnh về sự kiện :
 
 
 

Các bài viết khác
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC QUỐC TẾ VIỆT