Hotline: 0987 28 28 26

Nghệ thuật thị giác và kiến trúc Nhật Bản

12/07/2023 1.037 lượt xem
Quốc Tế Việt xin chia sẻ một phần trong cuốn sách “Nhật Bản – Đất nước, Con người, Văn học” của PGS.TS Ngô Minh Thủy và TS Ngô Tự Lập về Nghệ thuật thị giác và kiến trúc Nhật Bản dưới đây:

Nghệ thuật tạo hình
Nghệ thuật tạo hình của Nhật Bản có từ thời xa xưa. Những tác phẩm nghệ thuật cổ nhất của Nhật Bản còn lại đến ngày nay là những tượng đất thời kì đồ đá và những tượng đá là những thô sơ thuộc về những niên đại sau đó một chút…Sau đó là thời kỳ của những tượng nhà mồ được làm bằng đất sét thường được gọi là Haniwa mà người ta tìm thấy trong những lăng tẩm cổ. Những tác phẩm này cho thấy một số tiến bộ trong nghệ thuật tạo hình và ngày nay được đánh giá cao như những hình mẫu của nghệ thuật cổ xưa.
Nghệ thuật tạo hình Nhật Bản phát triển mạnh mẽ vào thời văn hóa Asuka (538- 645). Sau đó, do sự du nhập của đạo Phật vào Nhật và do những ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ, các tác phẩm điêu khắc ngày càng đẹp hơn.

Tranh khắc gỗ Ukiyoe (hay còn gọi là “tranh Phù Thể) là một loại hình hội hoạ rất nổi tiếng của Nhật Bản, phát triển từ thế kỉ XVII. Tranh Ukiyoe đến nay vẫn thịnh hành, với nhiều đề tài đa dạng miêu tả phong cảnh thiên nhiên và đời sống con người.

Nửa sau thế kỉ XIX, nghệ thuật Nhật Bản bắt đầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật phương Tây. Ngày nay, các hình thức phương Tây và phong cách truyền thống Nhật Bản tồn tại song song, hoà trộn với nhau. Hoạt động trao đổi nghệ thuật với quốc tế của Nhật Bản cũng càng ngày càng được đẩy mạnh. Nhiều tranh của các hoạ sĩ Nhật Bản và các tác phẩm nghệ thuật khác được trưng bày ở nước ngoài. Nhiều triển lãm nghệ thuật nước ngoài cũng được tổ chức tại Nhật Bản.

Cắm hoa (Ikebana)
Nghệ thuật cắm hoa bắt đầu từ nghi lễ dâng hoa trong các chùa chiền từ thế kỉ VI. Thông qua cách cắm hoa, người Nhật thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của mình một cách rõ ràng. Quan niệm về con người, đất và các tạo vật khác là một trong những nội dung quan trọng của phong cách cắm hoa Nhật Bản. Ngày nay, trong các buổi lễ cắm hoa tổ chức theo nghi lễ, cách cắm hoa vẫn còn phải tuân theo những nguyên tắc nghiêm ngặt, nhưng trong đời thường thì cách cắm hoa đã thiên về tự nhiên hơn, đơn giản hơn, tuy vậy người ta vẫn tuân theo một số qui định, một số quan niệm nhất định, bởi vậy đôi khi chỉ là vài bông hoa nhỏ với một vài cành cây khô, người Nhật vẫn tạo ra được những bát hoa trông rất độc đáo và có ý nghĩa. Hiện nay, phong cách cắm hoa hiện đại được gọi là mori bana khá phát triển. Phong cách này mở ra con đường tự do cho nghệ thuật cắm hoa. Đó là phong cách cắm hoa có thể được thưởng thức bất cứ ở đâu và thích hợp cho cả khung cảnh trang trọng lẫn thân tình.

Mặc dù cắm hoa là một hình thức văn hóa truyền thống rất phổ biến, nhưng những người trẻ tuổi ở Nhật muốn biết cách cắm hoa vẫn phải đi học, và cắm hoa là một trong những điều cần phải học của các cô gái sắp đi lấy chồng.

Những điều kì diệu của giấy Nhật
Nhật Bản nổi tiếng với nghệ thuật gấp giấy (origami), Từ những mảnh giấy vuông nhiều màu sắc người ta có thể gấp thành muôn vàn những con thú, đồ dùng khác nhau mà trong đó nổi tiếng nhất là những con hạc giấy. Trong một số ngày lễ lớn, người Nhật gấp hàng ngàn con hạc bằng giấy và tung lên trời, như biểu tượng của hạnh phúc, sức khoẻ và hòa bình.

Trên thực tế, giấy do người Trung Hoa sáng tạo ra vào thế kỉ thứ II tr. CN. Nghề làm giấy sau đó lan tràn sang các quốc gia Hồi giáo vào thế kỉ thứ VIII, sau đó du nhập vào châu Âu ở thế kỉ XII rồi phổ biến khắp thế giới. Nghề giấy du nhập vào Nhật Bản qua cửa ngõ Triều Tiên vào thế kỉ thứ VII. Rất nhanh chóng, giấy trở thành bộ phận cực kì quan trọng trong văn hoá Nhật.

Đối với người Nhật, công dụng của giấy lớn hơn nhiều so với việc dùng để viết, vẽ thông thường. Giấy được sử dụng rộng rãi trong kiến trúc, làm các dụng cụ gia đình, làm đồ chơi cho trẻ em và rất nhiều việc khác... Ngôi nhà truyền thống của người Nhật được làm chủ yếu từ gỗ và giấy. Giấy được coi là thứ nói lên sự tinh khiết.

Giấy dùng trong nhà ở của Nhật được làm từ gỗ cây dâu tằm nên có sợi dài và chắc hơn nhiều so với giấy sợi ngắn của phương Tây. Ngày nay, người Nhật còn đem lại cho giấy những ứng dụng hiện đại đáng kinh ngạc khác.

Kiến trúc
Nhật Bản có một nguồn tài nguyên rừng phong phú mà gỗ thì lại rất thích hợp với khí hậu nóng và ẩm của Nhật Bản nên gỗ được dùng như nguyên liệu cơ bản của ngành kiến trúc Nhật Bản từ rất lâu đời. Nguyên liệu đá không thích hợp cho xây dựng ở Nhật Bản và thường chỉ được sử dụng để xây dựng móng và tường của các lâu đài trong những thế kỷ trước.

Nét đặc biệt của kiến trúc Nhật Bản là sự song song tồn tại của các công trình mang phong cách truyền thống từ thế kỉ này sang thế kỉ khác và những công trình hiện đại sử dụng những kĩ thuật tiên tiến nhất.
Ngôi chùa hình tháp năm tầng Horyuki (Pháp long tự), được xây dựng vào thời kì Asuka (538-645) ở gần cố đô Nara của Nhật là công trình kiến trúc bằng gỗ cổ nhất trên thế giới. Thời Nara là thời kỳ đạo Phật và nghệ thuật cổ điển Nhật phát triển rực rỡ. Công trình kiến trúc vĩ đại nhất của thời kì này là chùa Todaigo, xây dựng năm 752. Ngôi chùa này đã hai lần bị chiến tranh tiêu hủy.

“Thời Bình An (Heian) nghệ thuật Nhật Bản chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong cách đời Đường ở Trung quốc, nhưng tinh tế và mềm mại hơn. Các công trình kiến trúc thời kỳ này mang dáng vẻ đơn giản, thanh khiết do chịu ảnh hưởng của Thiền Tông. Ảnh hưởng của Thiền Tông còn có thể tìm thấy trong nghệ thuật kiến trúc Nhật Bản hiện đại.

Lâu đài Katsura cùng với khu vườn nổi tiếng của nó được xây dựng ở Kyoto đầu thế kỉ XVI là một ví dụ đặc trưng cho tính hài hoà và tinh tế của kiến trúc Nhật.

Từ thời Minh Trị, kiến trúc Nhật Bản tuy tiếp nhận những ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng phương Tây, nhưng vẫn giữ được những đặc trưng dân tộc, đặc biệt là trong trang trí nội thất. Không những thế, nhiều yếu tố trong truyền thống kiến trúc Nhật Bản còn ảnh hưởng đến các nhà kiến trúc phương Tây 
Kể từ đầu thế kỉ XX, do Nhật Bản giao lưu rộng rãi với thế giới, tất cả các trào lưu kiến trúc trên thế giới đều lần lượt ảnh hưởng đến Nhật Bản. Ngày nay, ở Nhật có hàng trăm công trình khổng lồ mang các phong cách khác nhau, trong đó nhiều công trình xứng đáng được coi là những công trình vĩ đại của thế kỉ.
Các bài viết khác

Vẻ đẹp của ngôn từ

14/06/2023 626 lượt xem
Đến một lúc, đọc sách không chỉ là tìm kiếm tri thức, những câu chuyện hay, mà còn để thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ.

Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức buổi diễn thuyết của Giáo sư danh dự Đại học Waseda Trần Văn Thọ

27/10/2022 1.201 lượt xem
Đại sứ quán Nhật Bản sẽ tổ chức buổi diễn thuyết của Giáo sư danh dự Đại học Waseda Trần Văn Thọ để ghi nhận những đóng góp của Giáo sư và kỷ niệm việc xuất bản cuốn sách mới do ông viết bằng tiếng Việt có tiêu đề là Kinh tế Nhật Bản- Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 -1973 phân tích các yếu tố làm nên thời đại tăng trưởng cao độ của Nhật Bản để Việt Nam tham khảo.

Giải Sách hay lần thứ XI: Đi tìm phẩm tính của người Việt

19/09/2022 1.311 lượt xem
Dù không đả động trực tiếp nhưng bàng bạc trong các tác phẩm được vinh danh trong Giải Sách hay năm 2022 là những nỗi niềm đau đáu được gợi ra từ cuộc hành trình đi tìm căn tính, phẩm giá của người Việt Nam.

Những quốc gia nào tổ chức Tết Trung thu như ở Việt Nam?

07/09/2022 1.371 lượt xem
Tết Trung thu thường diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch hàng năm, khi mặt trăng tròn và sáng nhất.
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC QUỐC TẾ VIỆT