TS. Ngô Tự Lập - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện CLEF kiêm Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ không chỉ là một nhà nghiên cứu xuất sắc, ông còn là là một nhà văn, dịch giả, và nhạc sĩ. Ông nhận được nhiều giải thưởng, là hội viên Hội nhà văn Hà Nội và Hội nhà văn Việt Nam. Viện CLEF xin trân trọng giới thiệu cuốn sách mới của ông - “Mĩ phẩm trí tuệ” - nơi ông gửi gắm những suy tư, cảm nhận của mình về giáo dục, về văn thơ, về ngôn ngữ, dịch thuật, về âm nhạc... Với nội dung phong phú, cách thể hiện dung dị và đặc sắc, chắc chắn cuốn sách sẽ mang lại nhiều điều thú vị, hấp dẫn và bổ ích cho người đọc.
Mĩ phẩm trí tuệ là cuốn sách gồm nhiều bài viết dạng tùy bút và tản văn mà tác giả Ngô Tự Lập, gọi là “những suy tư rất cá nhân, theo thời gian, trong lúc đọc, lúc viết, lúc giảng dạy, dịch thuật, lúc chơi đàn, trồng cây, và cả những khi rảnh rỗi”.
1.Ý chừng như với tự bạch trên, tác giả muốn làm giảm độ “nghiêm trọng” của những vấn đề được khơi gợi hay mổ xẻ, song thực ra những gì viết ra trong những hoàn cảnh trên lại chính là những lúc tâm trạng khá thoải mái và thành thật. Đấy cũng là cảm nhận của người đọc khi cầm cuốn sách này, trải nghiệm cùng tác giả theo mạch bài xếp theo ABC.
Việc xếp cấu trúc các bài theo mạch ABC tạo ra một vài sự bất ngờ khi chủ đề đa dạng nối nhau không đoán định được, thậm chí gây tò mò. Chẳng hạn sau Ba mục đích của giáo dục là Bốn cái chổi trong văn học nghệ thuật Việt Nam, trong thời buổi nền giáo dục đang bị (hay là được) xã hội gây áp lực lớn khủng khiếp thì người đọc sẽ nghĩ, tác giả nói đến cái chổi là để quét những vấn đề nổi cộm gì chăng?
Tất nhiên đó là câu chuyện về những chiếc chổi trong những tác phẩm văn nghệ đã đi vào vốn tri thức số đông, như truyện Ma Chổi trong Thánh Tông di thảo, bài thơ Tiếng chổi tre, bài hát thiếu nhi Bé quét nhà hay bài hát Chổi xuân của một tác giả mới.
Nhưng ở một ngữ cảnh nào đấy, chủ đề những cái chổi lại khá liên quan đến câu chuyện giáo dục, như nhiệm vụ cốt lõi của giáo dục là tạo ra con người với 3 chiều kích: Con người lao động, con người yêu nước và con người tự do.
Có thể dẫn ra nhiều câu làm rõ những mắt nối ấy: “Một cá nhân muốn tự do thì phải hiểu mình, hiểu người và hiểu vật. Điều này hàm ý rằng chúng ta phải đánh giá đúng mức một số môn học. Để hiểu người và hiểu vật, chúng ta phải học về thế giới quan và nhân sinh quan, đặc biệt là triết học… Cách giảng dạy triết học của chúng ta hiện nay không chỉ mang nặng tính tuyên truyền, áp đặt và độc đoán mà thật ra còn phi triết học”.
Hoặc tác giả tìm những ví dụ gần gũi như “Việc xem xét lại chương trình và thời lượng của các môn học cũng liên quan đến vấn đề dạy nghề, bao gồm dạy kiến thức và kỹ năng làm việc (các môn chuyên ngành và ngoại ngữ) và dạy quy tắc làm việc (Luật, Đạo đức).
Có một thực tế mà rất nhiều tác giả đã nói: Học sinh của chúng ta học quá nhiều mà lại biết rất ít, khả năng làm việc lại càng ít hơn. Ngoài ra, các em rất ít được học về pháp luật. Trên thực tế các em rất kém kiến thức pháp luật, thậm chí ngay cả luật giao thông”.
Khi tác giả chất vấn lại mô hình và phương thức đào tạo, thì bài kế tiếp tựa như một diễn giải sâu hơn và khu biệt hơn cho việc tạo ra con người với những đặc điểm trên. Cuốn sách vì thế có một sự xâu chuỗi của những trăn trở về thế giới quan ở vai trò một nhà giáo dục, chẳng hạn các bài Hiệu ứng điện thoại và văn hóa đọc, Kant và sự ra đời của trường đại học hiện đại, Minh oan cho học thuộc lòng, Uber và Uber hóa trong môi trường đại học…
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa vai trò của tác giả. Ở nửa còn lại là một Ngô Tự Lập của sự say mê nghệ thuật, của con người sáng tạo. Vốn là một nhà thơ, nhạc sĩ, tác giả đem lại những quan sát về khía cạnh tu từ học, biểu tượng văn hóa hay các mẫu thức nghệ thuật trong dòng các sản phẩm văn hóa trải rộng từ đại chúng đến hàn lâm.
Ở nửa này, Ngô Tự Lập được giải phóng khỏi vai trò nhà sư phạm hay nhà truyền thông, anh đồng cảm với những sáng tạo ngôn từ hay các hiện tượng văn hóa. Anh cho thấy sức quan sát trải rộng từ các chủ đề Đông Tây kim cổ, vừa bắt đầu bằng bài hát Happy New Year của ABBA đã có thể bàn sang Hồ Xuân Hương qua bản dịch của Jean Sary hay vấn đề dịch ca từ hiện đại, đều bàn về vấn đề ngôn ngữ làm cầu nối hiểu biết giữa các không gian văn hóa. Người đọc thông minh hẳn sẽ thấy đây chính là những bài giảng hấp dẫn và học được khá nhiều điều về nền văn hóa họ đang hấp thụ.
Ngô Tự Lập còn tỏ ra thủ đắc với những đề tài rất hẹp của nghiên cứu so sánh như Eisenstein, montage và ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản hay Phụ nữ và những cuộc cách tân vĩ đại của văn chương thế giới. Những bài viết này đã đăng báo, những tờ tạp chí cho giới trí thức ưa tìm hiểu các hiện tượng chuyên biệt, khi đưa vào sách cũng khá thách thức người đọc, nhất là khi in ở NXB Kim Đồng, một nơi vốn thường làm sách cho thiếu nhi.
Nguồn: Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF)