Ngày 31/03/2021, Công ty Quốc Tế Việt đã đồng hành cùng Viện nghiên cứu phát triển văn hoá, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF), Viện Quốc tế Pháp Ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội (IFI) tổ chức buổi toạ đàm “Chủ nghĩa duy lý và đặc sắc tư duy người Pháp”. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi tọa đàm, hội thảo được dự kiến tổ chức trong năm 2021 của Viện CLEF.
Đến tham dự sự kiện có Nhà giáo nhân dân, GS. TS. Nguyễn Hòa, Chủ tịch hội đồng khoa học và đào tạo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà nội; GS. Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ; GS.TS. Nguyễn Văn Khang, Phó chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học; TS. Nguyễn Thanh Tiềm - Hội hữu nghị Việt Pháp cùng nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa - ngôn ngữ và các giảng viên, sinh viên liên quan đến ngành ngôn ngữ - văn hóa Pháp.
Chương trình còn có sự tham gia trực tuyến của một số tổ chức, cá nhân quan tâm (BGH Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, các giảng viên và sinh viên khoa tiếng Pháp Trường Đại học Hà nội, Trường Đại học Ngoại ngữ- ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội…
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Ngô Minh Thủy- Viện trưởng Viện CLEF cảm ơn các vị khách quý, các nhà chuyên môn đến tham dự hội thảo, cảm ơn các đơn vị đồng hành đã giúp Viện CLEF tổ chức toạ đàm theo đúng kế hoạch. Theo PGS. Ngô Minh Thuỷ, bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và biên soạn sách v.v..đang tích cực triển khai, Viện CLEF còn rất chú trọng đến việc tạo môi trường trao đổi học thuật, xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu trong đó các buổi hội thảo, tọa đàm học thuật sẽ được tổ chức định kỳ, thường xuyên. Trong năm 2021, Viện CLEF có kế hoạch tổ chức 4 toạ đàm- hội thảo (vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12) và đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi sự kiện của năm nay.
PGS. Ngô Minh Thủy chia sẻ: “Với quan điểm phát triển các nghiên cứu mang tính ứng dụng và liên ngành, phù hợp với chức năng, tầm nhìn cũng như lĩnh vực hoạt động của Viện, Viện CLEF luôn cố gắng sao cho các chủ đề tọa đàm, hội thảo mang tính thiết thực và dung dị nhất, cố gắng sao cho những vấn đề được coi là khó, là hàn lâm được truyền tải một cách chính xác nhưng đơn giản và gần gũi nhất đối với những người tham gia, đặc biệt là với các nhà nghiên cứu trẻ. Chúng tôi cũng mong muốn các buổi tọa đàm, hội thảo trở thành nơi để chúng ta có thể trao đổi, tranh luận về nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục, từ đó phát triển các hoạt động và mạng lưới nghiên cứu chung”.
Nội dung chính của chương trình là phần diễn thuyết của diễn giả, TS Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI - cơ quan đối tác của Viện CLEF) và đồng thời là chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện CLEF - với chủ đề “Chủ nghĩa duy lý và đặc sắc tư duy người Pháp”.
TS. Ngô Tự Lập sinh ra tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học hàng hải (Liên Xô, 1986), Thạc sĩ văn chương (Pháp, 1996) và Tiến sĩ văn học (Mỹ, 2006). Ông từng là thuyền trưởng Hải quân, giám đốc sáng lập Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, và hiện đang là Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ- Đại học Quốc gia Hà nội. Không chỉ là một nhà nghiên cứu với vốn hiểu biết chuyên sâu và rất rộng về các lĩnh vực triết học, văn học, ngôn ngữ và văn hóa, TS. Ngô Tự Lập còn là một người hoạt động văn học- nghệ thuật: ông làm thơ, sáng tác ca khúc, viết truyện ngắn và tiểu luận. TS. Ngô Tự Lập đồng thời cũng là một dịch giả tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh. Ông đã nhận nhiều giải thưởng văn chương và âm nhạc. Tập thơ song ngữ Anh-Việt “Black Stars” (Milkweed, USA, 2013), do Martha Collins và tác giả dịch, được đề cử giải PEN 2014 cho hạng mục thơ dịch (Poetry in Translation). Năm 2019, ông được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật.
Thuyết trình chủ đề “Chủ nghĩa duy lý và đặc sắc tư duy người Pháp” - một vấn đề rất rộng và được coi là tương đối khó với nhiều người- trong khoảng 50 phút, TS. Ngô Tự Lập đã khắc họa rất rõ nét và sinh động bức tranh về lịch sử triết học thế giới, về những điều cơ bản của chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa duy nghiệm cũng như những nét đặc sắc của tư duy người Pháp. Những người tham dự tọa đàm thực sự bị cuốn hút bởi nội dung của bài thuyết trình.
Sau phần diễn thuyết của TS. Ngô Tự Lập là phần trao đổi bàn tròn của diễn giả và PGS.TS Đinh Hồng Vân - Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, cùng TS Đặng Thị Thanh Thúy – Phó trưởng Khoa ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN với vai trò điều phối phần thảo luận. Phần thảo luận đã diễn ra hết sức sôi nổi và thú vị. Cũng giống như chương trình tọa đàm về “Dịch và dịch văn học” ngày 30/12/2020 của viện CLEF, phần thảo luận lần này đã kéo dài gấp đôi thời gian so với dự kiến của BTC, tới mức chiếm toàn bộ thời gian giải lao, tiệc trà và chụp ảnh! Thật hiếm có những buổi hội thảo, tọa đàm mà nhiều ý kiến tham luận và câu hỏi từ khán phòng đến như vậy.
Sau Buổi tọa đàm là chương trình giao lưu văn nghệ sôi nổi với sự trình bày các ca khúc của Pháp, trong đó có nhiều bài hát do diễn giả Ngô Tự Lập dịch ca từ tiếng Pháp sang tiếng Việt Các ca khúc được các học viên, sinh viên chuyên ngành tiếng Pháp và các cán bộ của IFI thể hiện.
'
Sự kiện ngày 31/03 đã khép lại với nhiều ấn tượng tốt đẹp về một hoạt động học thuật đầy ý nghĩa, bổ ích, thiết thực và mang tính ứng dụng cao. Đó chính là mở đầu tốt đẹp cho chuỗi tọa đàm, hội thảo trong năm nay của Viện CLEF.
Sau sự kiện, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều phản hồi rất tích cực từ các đại biểu, khách mời, chuyên gia và khán giả tham dự về sự kiện.
Một số hình ảnh về sự kiện: