Hotline: 0987 28 28 26

Obon - Lễ hội mùa hè tại Nhật Bản để tưởng nhớ những người đã khuất

12/08/2022 1.371 lượt xem
Obon có nguồn gốc từ Phật giáo là một sự kiện lớn hàng năm được tổ chức vào mùa hè ở Nhật Bản. Obon đã tồn tại cách đây hàng trăm năm, là dịp để người Nhật dành thời gian quây quần bên gia đình và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Lễ Obon cũng giống như lễ Vu lan (hay Xá tội vong nhân) diễn ra vào tháng 7 âm lịch ở Việt Nam, tuy nhiên có rất nhiều điểm khác nhau giữa hai ngày lễ này. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về lễ Obon ở Nhật để xem nó có đặc điểm gì giống và khác so với ngày lễ Vu lan ở Việt Nam nhé!

Lễ hội Obon là gì?

Đèn lồng obon
 

Obon là một lễ hội Phật giáo được tổ chức ở Nhật Bản vào mỗi mùa hè để tưởng nhớ tổ tiên và những người thân yêu đã khuất. Trong Phật giáo, người ta tin rằng trong lễ Obon, linh hồn của người đã khuất sẽ về thăm gia đình trước khi trở về thế giới bên kia. Lễ hội Obon kết thúc bằng những hoạt động giúp những linh hồn trở về thế giới bên kia một cách an toàn.

Trong lễ hội Obon, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần lại để thực hiện một số nghi lễ truyền thống. Những hoạt động này nhằm giúp cho linh hồn của những người đã khuất có thể trở về thăm người thân một cách an toàn. Cùng với việc tưởng nhớ tổ tiên, Obon cũng là dịp để gia đình sum họp và là một trong những kỳ nghỉ lễ lớn nhất ở Nhật Bản.

Lễ hội Obon được tổ chức khi nào?

Tùy từng khu vực mà thời điểm diễn ra lễ hội có thể khác nhau, nhưng đa số sẽ tổ chức từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8. Ở một số khu vực, đặc biệt là ở Kanto, lễ hội Obon thường được tổ chức vào tháng Bảy. Điều này là do trước đây Nhật Bản sử dụng lịch Âm theo Trung Quốc trước khi chuyển sang Dương lịch vào năm 1873.

Trước khi áp dụng hệ thống lịch mới, sớm hơn khoảng 1 tháng so với lịch Âm, Obon thường được tổ chức vào ngày 15 tháng Bảy Âm lịch (giống với lễ Vu lan ở Việt Nam). Tuy nhiên, sau khi chuyển sang lịch Dương, người ta thường tổ chức lễ Obon vào tháng Tám, bởi khoảng thời gian đó sẽ rơi vào khoảng tháng Bảy Âm lịch, gần với thời điểm lễ Obon được tổ chức trước đây. 

Lễ hội Obon được tổ chức như thế nào?

trống tại lễ hội obon
 

Vào lễ hội Obon, nhiều người sẽ trở về quê để thăm gia đình. Mặc dù không phải là một ngày nghỉ lễ chính thức, nhưng Obon là một trong những sự kiện mang yếu tố tâm linh quan trọng nhất trong năm ở Nhật Bản, cùng với ngày Tết "Oshogatsu". Vì Obon là dịp để gia đình đoàn tụ nên nhiều doanh nghiệp sẽ đóng cửa để nhân viên có thể nghỉ làm và dành thời gian cho gia đình.

Các chuyến tàu, chuyến bay và khách sạn thường được đặt kín chỗ vào lễ Obon, vì hàng triệu người Nhật đi từ khắp đất nước sẽ về thăm gia đình. Mặc dù hiện nay phần lớn thế hệ trẻ ở Nhật không đặc biệt sùng đạo nhưng họ vẫn coi đây là dịp để nghỉ ngơi trong năm. Do đó, cùng với Tuần lễ vàng và Năm mới, Obon được coi là một trong những thời điểm không mấy thích hợp để du lịch đến Nhật Bản, vì chỗ ở và phương tiện giao thông phần lớn đã được đặt hết.

Những hoạt động truyền thống của lễ Obon

Obon
 

Các gia đình ở Nhật Bản sẽ thực hiện một số hoạt động truyền thống như một phần của lễ Obon. Mặc dù có sự khác biệt giữa các vùng miền ở Nhật Bản, nhưng sẽ vẫn có một số hoạt động chung phổ biến diễn ra ở hầu khắp mọi nơi. Những phong tục này đều được thực hiện để chào đón linh hồn của tổ tiên trước khi họ trở về thế giới bên kia.

Dưới đây là một số hoạt đọng truyền thống diễn ra trong lễ Obon ở Nhật Bản:

Kamabuta Tsuitachi

Kamabuta Tsuitachi là tên gọi của ngày đầu tiên trong tháng diễn ra lễ hội Obon. Đây là lúc người ta tin rằng các linh hồn sẽ bắt đầu cuộc hành trình đi từ thế giới bên kia để về đoàn tụ với con cháu. Kể từ ngày này, các thành viên trong gia đình sẽ bắt đầu dọn dẹp và chuẩn bị đồ cúng tại mộ của những người đã mất, việc này có thể được thực hiện bất cứ lúc nào trong lễ Obon. Nhiều người cũng dọn dẹp và đặt đồ cúng tại bàn thờ gia tiên trong nhà, được gọi là “butsudan” trong tiếng Nhật.

Mukaebi

Khi bắt đầu lễ Obon, các thành viên trong gia đình sẽ nhóm một đốm lửa, hoạt động này được gọi là “mukaebi”, nghĩa là “ngọn lửa chào mừng”, và đặt gần lối vào nhà của mình. Những ngọn lửa này thường được thắp sáng bằng cách đốt những cây sậy gai dầu gọi là “ogara” để giúp dẫn đường cho các linh hồn trên hành trình của họ. Đèn lồng, được gọi là “chochin” trong tiếng Nhật, cũng thường được treo bên ngoài nhà để chào đón các linh hồn trở về. Đèn lồng cũng thường xuyên được treo tại các ngôi đền trong suốt thời gian diễn ra lễ Obon.

Shoryodana và Shoryo-uma

Các thành viên trong gia đình sẽ lập một bàn thờ thần, được gọi là “shoryodana” trong tiếng Nhật, để bày biện các lễ vật khác nhau cho người đã khuất. Đây được xem là một phần trong quá trình chuẩn bị cho sự trở lại của linh hồn những người đã khuất. Trong số những lễ vật này có “shoryo-uma” (những đồ vật có hình những con vật), được làm bằng cách cắm bốn chiếc đũa hoặc tăm vào quả dưa chuột hoặc cà tím. Shoryo-uma có nghĩa là "ngựa thần", thường được chuẩn bị bằng một quả dưa chuột và tượng trưng cho một chú ngựa được cho là sẽ đưa các linh hồn trở về nhanh chóng từ cõi âm. Cà tím có bốn chân tượng trưng cho một con bò, sẽ từ từ đưa các linh hồn trở về đồng thời có thể mang các lễ vật khác nhau do con cháu để lại cho người đã khuất.

Okuribi

Tương tự như cách đốt lửa để chào đón các linh hồn trở về, "okuribi", nghĩa là "ngọn lửa từ biệt", được đốt lên để hướng dẫn các linh hồn quay trở lại cõi âm. Okuribi thường là những ngọn lửa nhỏ được thắp sáng bên ngoài nhà, cũng bằng cách đốt những cây sậy gai dầu. Ở một số nơi tại Nhật Bản, người ta thường thả trôi những chiếc đèn lồng nổi trên sông và hồ theo một phong tục được gọi là “toro nagashi” trong tiếng Nhật. Những chiếc đèn lồng này thường mang những thông điệp gửi linh hồn những khuất khi đi về thế giới bên kia.

Tuy nhiên, "okuribi" nổi tiếng nhất và được nhiều người nước ngoài biết đến nhất là những ngọn lửa được thắp lên tại các ngôi chùa và đền thờ. Nổi tiếng nhất phải kể đến “Gozan no Okuribi,” được tổ chức hàng năm vào ngày 16/8 tại Kyoto. Tại Gozan no Okuribi, có 5 ngọn lửa khổng lồ được thắp tại 6 ngọn núi phía trên Kyoto. Ba trong số đó được tạo thành hình dạng của các ký tự kanji, trong khi hai ngọn lửa khác giống như một chiếc cổng torii và một con tàu. Những ngọn lửa lớn đến nỗi chúng có thể được nhìn thấy từ trung tâm thành phố Kyoto.

Một "okuribi" nổi tiếng khác chính là "Funakko Nagashi", được tổ chức ở thành phố Morioka thuộc tỉnh Iwate. Thường diễn ra vào tháng 8 trong hơn 200 năm qua, Funakko Nagashi nổi tiếng với những chiếc thuyền đầy màu sắc, được chế tạo đặc biệt dành cho buổi lễ và thường có hình dáng của những con rồng. Những con thuyền này được trang trí với những chiếc đèn lồng và có ghi tên hoặc treo ảnh của những người đã khuất, sau đó được thả xuống dòng sông Kitakami.

Bon Odori: Điệu múa truyền thống của lễ hội Obon

Bon Odori - những hoạt động liên quan đến âm nhạc và khiêu vũ truyền thống, là một phần quan trọng trong lễ hội Obon. Được tổ chức để chào đón các linh hồn đã khuất, Bon Odori được tổ chức trong một số ngày nhất định và thường khác nhau tùy theo từng khu vực. Điển hình là các điệu múa Bon Odori được trình diễn bởi những vũ công mặc những bộ kimono lấp lánh biểu diễn các điệu múa theo những bài hát truyền thống. Là biểu tượng của lễ hội mùa hè tại Nhật Bản, điệu múa Bon Odori đã gắn bó với người dân Nhật Bản trong nhiều thế kỷ. Ngoài ra, tại lễ hội còn có các quầy hàng ăn uống tạo ra một bầu không khí vô cùng náo nhiệt.

Dưới đây là một số điệu múa Bon Odori nổi tiếng nhất ở Nhật Bản:
Awa Odori

Awa Odori đã được biểu diễn ở thành phố Tokushima trong hơn 400 năm. Đây là sự kiện lớn nhất trên toàn quốc, diễn ra trong 3 ngày vào tháng 8 hàng năm. Những vũ công biểu diễn điệu múa này thường được gọi là “ren”, nhảy theo các bài hát được biểu diễn bằng các loại nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản. Lễ hội diễn ra ở trung tâm thành phố và thu hút rất đông người đến xem, thường kéo dài trong vài giờ và có thể đến khuya.

Gujo Odori

Gujo Odori ở tỉnh Gifu được tổ chức trong vòng 1 tháng từ giữa tháng Bảy cho đến tuần đầu tiên của tháng Chín. Cũng giống như Awa Odori, Gujo Odori tự hào có lịch sử lâu đời và đã được tổ chức hơn 400 năm. Gujo Odori bao gồm 10 loại vũ điệu khác nhau và được chính phủ Nhật Bản công nhận là Di sản văn hóa dân gian phi vật thể quan trọng của đất nước. Các điệu nhảy được biểu diễn theo nhạc do một nhóm nhạc công ngồi trên một chiếc kiệu trình diễn. Đàn rước đi qua các khu vực khác nhau của Gujo, những ngày đỉnh điểm nhất thu hút tới 30.000 người tham dự.

Owara Kaze no Bon

Lễ hội Owara Kaze no Bon diễn ra tại thị trấn lịch sử Yatsuo gần thành phố Toyama trong 3 ngày đầu tiên của tháng Chín. Owara Kaze no Bon khác với các vũ điệu trong lễ hội Obon khác ở chỗ mục đích của nó là để thờ phụng các vị thần bảo vệ người dân khỏi thiên tai và mang đến một vụ mùa bội thu. Trong lễ hội, các đội múa đến từ 11 khu vực xung quanh sẽ biểu diễn các điệu múa được biên đạo cẩn thận và khoác trên mình những bộ kimono sặc sỡ và đội mũ rơm che kín mặt.

Obon - Lễ hội truyền thống pha trộn giữa văn hóa tâm linh truyền thống và những hoạt động thú vị

Obon là thời điểm để tưởng nhớ những người thân đã mất và tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi vào mùa hè. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất ở Nhật Bản và mặc dù có thể không phải là thời điểm tốt nhất để đến đây du lịch, nhưng những ai đến thăm Nhật Bản trong dịp Obon sẽ được trải nghiệm một hoạt động văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo của đất nước này. Nếu có dịp bạn hãy tham gia lễ hội Obon ở Nhật Bản để cảm nhận những điều khác biệt mà nó mang lại nhé!

Nguồn: 
tsunagujapan.com

Các bài viết khác
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC QUỐC TẾ VIỆT