Hotline: 0987 28 28 26

Ý nghĩa tên gọi Kanji của các tỉnh Nhật Bản

18/02/2021 574 lượt xem

Bạn có bao giờ tự hỏi tên gọi của các tỉnh hay thành phố của Nhật Bản có ý nghĩa gì hay thắc mắc liệu có câu chuyện gì ẩn sau những địa danh đó? Nếu bạn đã từng, thì dưới đây là một số lý giải về ý nghĩa tên gọi của một số tỉnh ở Nhật dành cho bạn. 

Aomori (青森) có nghĩa là “Rừng xanh”. Vào thời Edo, gia tộc Hirosaki bắt đầu xây dựng một cảng biển tại thành phố Aomori bấy giờ. Rừng cây xanh gần cảng biển đó được gọi là “aoi-matsu-no-ki-mori” (rừng thông xanh) và được dùng làm cột mốc đánh dấu chỉ phương hướng cho tàu vào cảng, dần dần tên của cánh rừng được rút gọn thành “Aomori” như hiện nay.

Chiba (千葉) được hình thành từ hai ký tự kanji, gồm 千 (Thiên – hàng nghìn) và 葉 (Diệp – lá cây). Cái tên này có nguồn gốc từ một bộ phận hành chính cai trị từ thời xa xưa có tên gọi “Chiba Kuni no Miyatsuko”. Một nhánh của gia tộc Taira sau khi chuyển đến khu vực của tỉnh Chiba thời bấy giờ đã lấy tên “Chiba” làm tên của dòng họ, đồng thời thực hiện những ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực này đến tận thời Azuchi – Momoyama. Tên “Chiba” đã được chọn trở thành tên gọi của tỉnh vào thời điểm thành lập năm 1873 bởi Hội đồng thống đốc tỉnh. 

Fukushima (福島) có nghĩa là “Hòn đảo phúc lành”. Có những ý kiến lý giải rằng khi gió mạnh thổi (kaze ga fuku) vào núi Shinobu ở trung tâm Fukushima sẽ khiến nơi đây trở thành  hòn đảo phúc lành “Fukushima”.

Gifu (岐阜) được Oda Nobunaga đặt tên vào năm 1567 sau khi ông chinh phục và xây dựng nơi đây trở thành lãnh thổ của mình. Cái tên được bắt nguồn từ một bài thơ cổ của Trung Quốc, kể về những người xuất thân từ Qishan (岐山) làm nên việc lớn, đồng thời đây cũng là quê hương của Khổng Tử. Gunma (群 馬) có nghĩa là “đàn ngựa”. Gunma khi xưa từng là trung tâm buôn bán và chăn nuôi ngựa, đây cũng được coi là nơi chăm coi và tiến cống ngựa cho hoàng đế. 

Gunma (群 馬) có nghĩa là “đàn ngựa”. Gunma khi xưa từng là trung tâm buôn bán và chăn nuôi ngựa, đây cũng được coi là nơi chăm coi và tiến cống ngựa cho hoàng đế. 

Hiroshima (広 島) được lý giải răng từ nhiều hòn đảo ban đầu nơi này trở thành nơi các hòn đảo tụ tập lại “hiroi hiroku atsumeru” và được gọi ngắn gọn là hòn đảo rộng lớn “Hiroshima”.

Hokkaidō (北海道) có nghĩa là “Con đường biển Bắc”. Thời xa xưa, hòn đảo này đã từng mang tên Ezo, Yezo, Yeso hoặc Yesso. Từ thời Trung cổ, những người ở Hokkaido đã được gọi là Ezo, còn khu vực Hokkaido được gọi là Ezochi (蝦 夷 地 – Vùng đất Ezo) hoặc Ezogashima (蝦 夷 ヶ 島 – Đảo của người Ezo). Người Ezo chủ yếu dựa vào săn bắn và đánh cá để đổi lấy gạo và sắt thông qua giao thương với người Nhật. Khi Ủy ban Phát triển được thành lập, Chính phủ Minh Trị đã đề xuất một cái tên mới cho nơi này, vào năm 1869, Takeshiro Matsuura đã chọn cái tên Hokkaido cho hòn đảo nằm ở phía bắc Nhật Bản.

Hyōgo (兵 庫) với ý nghĩa “kho lính” đã từng được coi là kho vũ khí của chính phủ. Từ thời kỳ Nara, nơi đây đã nắm giữ vị thế quan trọng, trở thành địa điểm tập trung sản xuất công nghiệp, giao lưu thương mại và quân sự của Nhật Bản.

Iwate (岩手 県) có nghĩa là “bàn tay đá”. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của cái tên này, nhưng nổi tiếng nhất là câu chuyện Oni no tegata, gắn liền với ba tảng đá tại ngôi đền của Mitsuishi. Tương truyền đây là những tảng đá từ dung nham phun trào của núi lửa ngày xưa để lại, và được coi như một vật thiêng liêng của tín ngưỡng từ xưa. Chuyện kể có một con quỷ tên là Rasetsu đã xuất hiện và quấy rối nơi đây, dân làng đã đến đền Mitsuishi và cầu nguyện thần linh giúp đỡ. Sau khi nghe lời thỉnh cầu, thần linh đã bắt con quỷ và giam giữ nó trong tảng đá. Sau đó để chứng minh nó sẽ không làm điều xấu lần nữa, dấu tay quỷ đã được lưu lại trên đá, trở thành nguồn gốc cho địa danh nơi đây. 

Kagoshima (鹿 児 島) bắt nguồn từ đền Kagoshima ở Hayato, Kirishima. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của cái tên, như một chiếc thuyền của vị thần Hoori – vị thần được thờ nơi đây – có nguồn gốc từ núi Kagoyama, hay Kagoshima cũng có nghĩa là núi hay đảo của kami – nơi các kami sinh sống. Một nguyên nhân khác là do bắt nguồn từ tên cũ của núi lửa Sakurajima – Kakoshima – sau được chuyển thành Kagoshima (Đảo hươu non).

Kyōto (京都) từng được gọi là Kyō (京), Miyako (都) hoặc Kyō no Miyako (京の都). Vào thế kỷ 11, nơi đây được đổi tên thành “Kyōto” (Kinh đô). Tận sau khi thành phố Edo được đổi tên thành “Tōkyō” vào năm 1868 và trở thành kinh đô, Kyōto trong một thời gian ngắn được gọi là Saikyō (Tây kinh).

Miyagi (宮城) có nghĩa là “thành cung điện”. Thành Taga là một pháo đài ở Tōhoku, được xây dựng vào thế kỷ thứ tám như một phần của tuyến phòng thủ người Emishi ở phía Bắc. Nơi này trở thành tiền đồn quan sát nên được gọi là Miya-no-shiro, từ đó trở thành “Miyagi”. 

Nara (奈良) – Khi binh lính của Thiên hoàng Sujin xây pháo đài trên ngọn đồi cao hơn 80m nơi đây, họ phát hiện có quá nhiều cỏ dại nên phải dọn sạch và làm phẳng phiu (narashita) nơi này, từ đó cái tên “Nara” ra đời. Trong thời kỳ Heian, khi kinh đô được xây dựng vào năm 710 tại Heijō-kyō, chữ “Nara” được đổi thành chữ kanji “良” có ý nghĩa tốt đẹp.

Ōita (大分) – Nguồn gốc của tên Ōita được ghi lại trong một tài liệu từ đầu thế kỷ thứ 8 có tên Biên niên sử Bungo. Theo tài liệu, vào thế kỷ thứ nhất, Hoàng đế Keikō đến thăm Kyushu và nhìn thấy vụ lúa đầu tiên ở Nhật Bản, ông đã thốt lên rằng: “Quả là một vùng đất rộng lớn, nó sẽ được gọi là Okita-Kuni!”, với ý nghĩa là “Vùng đất của những cánh đồng lớn”, sau này được viết thành “Ōita” (大分). Các diễn giải ngày nay dựa trên địa hình phức tạp của Ōita, như Nihonshoki, cũng diễn giải rằng tên của Oita xuất phát từ “Okita” có nghĩa là “nhiều cánh đồng”, chứ không phải là cánh đồng “rộng lớn”.

Okinawa (沖 縄) là địa điểm thuận lợi đánh cá ngoài khơi, được chuyển từ “oki no wa” thành Okinawa – Sợi dây thừng trên biển.  

Ōsaka (大阪) có nghĩa là Dốc lớn, cái tên này bắt nguồn từ việc nơi đây có nhiều hệ thống sông ngòi, kênh rạch và chiếm vị trí quan trọng trong việc giao thương trong hệ thống đường thủy. 

Saitama (埼 玉) ban đầu có nghĩa là khu vực bên kia sông Tamagawa “saki no tama”, sau một thời gian thì chữ kanji trong Saitama đã trở thành “埼玉” với ý nghĩa là “mũi đất ngọc”. 

Shiga (滋 賀) – Với việc bãi bỏ hệ thống quản lý thị tộc và hình thành quận huyện, tám quận được thành lập ở Omi và được hợp nhất thành tỉnh Shiga vào tháng 9/1872. Tỉnh Shiga được đặt tên theo Quận Shiga do thành phố Ōtsu thuộc quận này đến tận năm 1898. Cụm từ miêu tả hồ Biwa rằng có rất nhiều đá bao quanh “ishi ga aru tokoro” được rút gọn thành cái tên “Shika”, đồng thời chữ kanji cũng được thay đổi bốn lần và trở thành “滋 賀” – lời chúc từ bi.  

Shimane (島 根) – Shimane lúc bấy giờ được chia thành ba phần: Iwami, Izumo và Oki. Điều đó kéo dài cho đến khi việc bãi bỏ hệ thống quản lý thị tộc và hình thành quận huyện diễn ra vào năm 1871. Trong thời kỳ Nara, Kakinomoto no Hitomaro đã đọc một bài thơ về đặc trưng của Shimane khi ông được cử làm thống đốc hoàng gia, miêu tả rằng vào thời xa xưa, bán đảo Shimane là một hòn đảo riêng biệt, sau đó những ngọn núi trên đảo được nối lại với nhau bằng một sợi dây thần thánh “shimano ue ni mine” và trở thành “Shimane”.

Tōkyō (東京) có nghĩa là “Thủ đô phía Đông”. Tokyo ban đầu được gọi là Edo mang ý nghĩa “cửa sông”. Sau đó, tên của nó được đổi thành Tokyo khi trở thành kinh đô của đất nước vào năm 1868.

Tottori (鳥取) được tạo thành từ 鳥 (điểu) và 取 (thủ). Những cư dân đầu tiên tại khu vực này kiếm sống bằng nghề đánh bắt các loài chim nước thường thấy. Cái tên này lần đầu tiên xuất hiện trong Nihon Shoki, vào năm thứ 23 của Thiên hoàng Suinin, một trưởng lão từ Izumo là Yukuha Tana đến thăm hoàng hậu, khi đó hoàng tử Homatsu-wake dù đã 30 tuổi nhưng vẫn không biết nói. Yukuha Tana đã dâng tặng người một con thiên nga, sau đó Homatsu-wake no Mikoto chơi cùng con thiên nga này và cuối cùng cũng học nói được. Vì vậy, Yukaha Tana đã được khen thưởng hậu hĩnh và được phong là Tottori no Miyakko.

Toyama (富山) có nghĩa là “núi của cải”, được biến đổi từ cái tên ban đầu là Sotoyama (外 山) “ngọn núi xa xôi”.

Yamagata (山形) được mô tả là một nơi có thế núi “yama no aru chiho”, các ký tự kanji cũng được thay đổi qua thời gian tạo thành “山形” do ý nghĩa tốt lành của chữ “形”.

Tham khảo:
https://travelience.com/blog/direct-translation-of-japanese-prefectures/
http://www.japanstyle.info/11/entry10430.html
http://www.gojapango.com/travel/japanese_prefectures_list.htm
Nguồn: Isenpai.jp

Các bài viết khác
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC QUỐC TẾ VIỆT