Hotline: 0987 28 28 26

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng

05/09/2022 797 lượt xem

Sau một năm phải tổ chức khai giảng trực tuyến vì dịch Covid-19, hôm nay 5/9, hơn 23 triệu học sinh trên cả nước háo hức dự khai giảng năm học mới.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng tại trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Thành).

Thanh Hóa: Hơn 914.000 học sinh Thanh Hóa bước vào năm học mới

Cùng với hàng triệu học sinh cả nước đón chào ngày hội "Toàn dân đưa trẻ đến trường", sáng 5/9, hơn 914.000 học sinh các cấp học trong tỉnh Thanh Hóa bước vào ngày khai giảng năm học mới 2022 - 2023.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 2

Các em học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi chào đón năm học mới.

Theo ghi nhận tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa, từ sáng sớm, đông đảo các em học sinh được phụ huynh đưa đến trường trong niềm vui và háo hức chào đón một năm học mới. 

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 3

Giây phút ngộ nghĩnh của một em học sinh trong lễ khai giảng.

Trước đó, để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã có hướng dẫn các nhà trường tổ chức lễ khai giảng theo hình thức tập trung tại sân trường và thực hiện các biện pháp phòng, chống, dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 4

Đông đảo các em học sinh đến từ rất sớm để dự lễ khai giảng.

Riêng đối với cấp học Mầm non, tổ chức khai giảng cho trẻ mẫu giáo tại sân trường, nhà trẻ tại các nhóm lớp; tổ chức các hoạt động vui chơi tạo không khí vui tươi đón trẻ đến trường.

Theo Sở GD&ĐT, buổi lễ khai giảng phải được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, tạo tâm lý phấn khởi, hào hứng cho học sinh trước năm học mới, bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị trong tình hình dịch bệnh Covid -19.

TPHCM: 1,7 triệu học sinh bước vào năm học mới

Sáng nay, khoảng 1,7 triệu học sinh ở các bậc học tại TPHCM khai giảng năm học mới. Năm học 2022- 2023, TPHCM tăng gần 22.000 học sinh so với năm học trước.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 5

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM trong lễ khai giảng 5/9 (Ảnh: Hải Long).

Số học sinh tăng nhiều ở cấp THCS và THPT, tập trung tại TP Thủ Đức và quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh. Riêng khối tiểu học giảm hơn 11.000 học sinh.

Năm học này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục TPHCM là đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo, gắn với đổi mới công tác quản lý và đổi mới phương pháp dạy và học.

Mục tiêu năm học 2022-2023, 35% thời lượng dạy học sẽ được TPHCM thực hiện trên internet. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, không phải các trường cắt 35% số tiết của các môn học để dạy online mà là 35% bài giảng sử dụng các giải pháp của hệ thống dạy học LMS. Giáo viên vẫn lên lớp giảng dạy bình thường nhưng dành ít nhất 35% khối lượng bài giảng giao qua LMS để học sinh tự học.

Hà Tĩnh: "Lễ khai giảng có ý nghĩa lớn trong cuộc đời cháu"

Sáng nay (5/9), hơn 350 ngàn giáo viên, học sinh ở 668 trường học trên địa bàn Hà Tĩnh náo nức khai trường.

Lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 được tổ chức trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát đã mang đến những cảm xúc đặc biệt, làm rộn lên bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Năm nay thời tiết tại Hà Tĩnh khá mát mẻ. Có mặt từ rất sớm trước lễ khai giảng, nhiều cha mẹ học sinh trường Mầm non Bình Hà (thành phố Hà Tĩnh) đã đưa con đến trường để xếp hàng, chỉnh đốn trang phục. Một số em vẫn chưa khỏi bỡ ngỡ, đôi mắt tròn xoe thơ ngây vì lần đầu tiên bước vào môi trường học tập.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 6

Người ông đưa các cháu tới trường (Ảnh: Xuân Sinh).

Anh Nguyễn Huy Nhật (phụ huynh của em Mai Sương) học sinh lớp 3 tuổi, trường Mầm non Bình Hà chia sẻ: "Đây là buổi khai giảng có ý nghĩa lớn trong cuộc đời cháu, là dấu mốc quan trọng đánh dấu ngày đầu tiên cháu bước vào trường mầm non, cấp học đầu tiên của mỗi người. Vợ chồng tôi đã dậy từ rất sớm để chuẩn bị các vật dụng cần thiết, đưa cháu đến trường tham gia lễ khai giảng năm học mới".

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 7

Buổi khai giảng tại các trường ở Hà Tĩnh năm nay tổ chức gọn nhẹ, đầm ấm và vui tươi (Ảnh: Xuân Sinh).

Đắk Lắk: Học sinh hào hứng chào đón năm học mới

 Sáng 5/9, hòa chung niềm vui tựu trường trên cả nước trên 470.000 học sinh các cấp tỉnh Đắk Lắk bước vào lễ khai giảng năm học mới.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 8

Các học sinh hân hoan trong ngày khai trường (Ảnh: Thúy Diễm).

Với sự chuẩn bị chu đáo của các trường, sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành giáo dục Đắk Lắk sẵn sàng hướng tới một năm học mới.

Ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học.

Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo hoạt động giáo dục, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà các cấp học phổ thông, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học; tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp; duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 9

Học sinh Đắk Lắk đã sẵn sàng cho năm học mới (Ảnh: Thúy Diễm).

Bình Định: Tập trung nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non

Sáng 5/9, cùng với cả nước, hơn 332 nghìn học sinh  tỉnh Bình Định, nô nức bước vào năm học mới 2022 - 2023. Ðây là năm học có nhiều thách thức sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 và ngành Giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, thay sách giáo khoa ở cả 3 bậc học tiểu học, THCS, THPT.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 10

Các em học sinh tiểu học không phải chuẩn bị cờ hoa gây tốn kém cho phụ huynh học sinh như nhiều năm học trước (Ảnh: Doãn Công).

Theo ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm học bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đặc biệt, tập trung 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non, tiếp tục thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025"; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi; quan tâm hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn và vùng có khu công nghiệp.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 11

Học sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định không chủ quan với dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Doãn Công).

Nghệ An: Hơn 800.000 học sinh Nghệ An hân hoan khai giảng năm học mới

Hòa chung không khí đón chào năm học mới 2022 - 2023 của cả nước, sáng nay (5/9), hơn 800.000 học sinh Nghệ An của cả 4 cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, hân hoan khai giảng năm học mới sau hai năm ngành giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 12

Học sinh Nghệ An trong lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 (Ảnh: Hoàng Lam).

Năm học 2022 - 2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 và là năm học đầu tiên triển khai với bậc THPT.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 13

Học sinh mầm non háo hức được đến trường dự lễ khai giảng (Ảnh: HL).

Trước nhiều nhiệm vụ quan trọng của năm học mới, ngành Giáo dục Nghệ An cũng đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch khoa học, cụ thể để sát với chương trình và triển khai linh hoạt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh việc thiếu giáo viên vẫn còn diễn ra ở nhiều bậc học.

Năm học mới, chặng đường mới

Trong thư gửi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh, cùng các em học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ:

"Hôm nay, ngày 5/9/2022, chúng ta lại cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt sau một khoảng thời gian bất thường, việc học tập bị gián đoạn thường xuyên bởi đại dịch Covid-19, thầy và trò lại được cùng nhau dự lễ khai giảng trực tiếp tại ngôi trường thân yêu, cùng nhau chia sẻ quyết tâm, niềm tin và hy vọng về một chặng đường mới trong học tập".

Chủ tịch nước đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề mà ngành Giáo dục lựa chọn năm nay, đó là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 16

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những năm trước, học sinh Hà Nội phải khai giảng trong lớp (Ảnh: Toàn Vũ).

Chủ tịch nước đề nghị toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục hãy nỗ lực tận tụy, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, làm tốt chức trách, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người vĩ đại.

Trước ngày khai giảng, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết năm học trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường học phải đóng cửa ở phần lớn các tỉnh thành. Một thời gian rất dài các em phải học trực tuyến, qua truyền hình và các hình thức khác. Sau đó, ngành giáo dục cố gắng mở lại trường học, đưa các em quay trở lại học bình thường. 

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 17

Học sinh Trường Tiểu học Đông Vĩnh, TP Vinh háo hức trong ngày khai giảng năm học mới 2022 - 2023 (Ảnh: Nguyễn Phê).

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức. Phải đảm bảo về mặt thời gian, lượng công việc rất lớn trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn rất khó khăn. Do đó, để hoàn thành được nhiệm vụ này, cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, quyết tâm của các địa phương, các bộ, ngành liên quan.

Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng - 18

Phụ huynh Hà Nội đưa con tới trường dự lễ khai giảng năm học 2022- 2023 (Ảnh: Mạnh Quân).

Quá nhiều thách thức

Nhân dịp năm học mới 2022-2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi thông điệp tới toàn ngành. 

Theo Bộ trưởng, một năm học mới đã bắt đầu trong tình hình mới, dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, những việc ngành Giáo dục phải làm phía trước vẫn còn đầy thách thức. Thách thức của việc khắc phục hậu quả rất nặng nề của dịch bệnh để lại.

Thách thức của việc đổi mới giáo dục phổ thông. Thách thức của việc nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục đại học. Thách thức của việc phổ cập. Thách thức của việc đưa trẻ đến trường trên phạm vi cả nước.

Thách thức của sự vượt lên chính mình để khẳng định chất lượng giáo dục và đào tạo và tăng cường, tạo dựng thêm niềm tin về phía xã hội vẫn luôn là thách thức rất lớn đối với toàn ngành.

Rất là mong toàn thể lực lượng giáo viên ra sức cố gắng, phấn đấu hoàn thiện bản thân và đổi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt công cuộc đổi mới. Cũng mong toàn thể học sinh hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ học tập, tu dưỡng để đạt đến các mục tiêu trở thành công dân tốt, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho  xã hội.

Và rất mong các quý vị phụ huynh hết sức chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục để có sự đồng hành, hỗ trợ đối với ngành mang đến kết quả giáo dục tốt nhất, góp phần phát triển đất nước trong tương lai.

Lập phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lí nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh trước khi năm học mới bắt đầu.

Chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội để tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, đặc biệt là phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước, tăng cường giáo dục sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh.

Nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng các cơ sở giáo dục tự chủ và tự chủ một phần nhằm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục tại những vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi.
Nguồn: Báo điện tử Dân Trí


Các bài viết khác
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC VÀ NGUỒN NHÂN LỰC QUỐC TẾ VIỆT