Quốc Tế Việt xin được đăng tải dưới đây bài viết trên trang web của Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (VAJA) về Hội thảo quốc tế về giáo dục giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á lần thứ 3 (Japan – Asean International Symposium on Education, gọi tắt là JASE 2022 hoặc JASE 3) diễn ra vừa qua tại Đà Nẵng trong 2 ngày 24 và 25/06.
Trong 2 ngày từ 24-25/ 6 /2022, tại thành phố Đà Nẵng, Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (VAJA) dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông qua tổ chức ASJA International và Hiệp hội Cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á (ASCOJA) đã chủ trì thành công Hội thảo quốc tế về giáo dục giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á lần thứ 3 (Japan – Asean International Symposium on Education, gọi tắt là JASE 2022 hoặc JASE 3). Hội thảo JASE 3 được thực hiện với sự đồng tổ chức của Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF), sự cộng tác của Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Đông Á. Hội thảo cũng nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức.
Theo sáng kiến của VAJA đồng thời được sự nhất trí, ủng hộ của ASJA International và ASCOJA, từ năm 2015 các hội cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản- thành viên của ASCOJA- bắt đầu tổ chức các hội thảo chuyên đề và mang tính chuyên môn cao dưới dự bảo trợ và tài trợ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông qua ASJA International. VAJA có vinh dự tổ chức Hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo chuyên đề đó. Xác định tầm quan trọng của giáo dục, Ban lãnh đạo VAJA đã chọn tên gọi chung cho các hội thảo chuyên đề mà VAJA chủ trì là Japan – Asean International Symposium on Education, gọi tắt là JASE. Sau thành công JASE lần thứ nhất năm 2015, vào năm 2018 tại Hà Nội VAJA tiếp tục tổ chức Hội thảo JASE lần thứ 2 cũng rất thành công, được đánh giá rất tốt cả về chuyên môn lẫn công tác tổ chức. Hội thảo JASE lần thứ 3 năm 2022 được tổ chức tại Đà Nẵng- thành phố biển xinh đẹp của Việt Nam. Đây đồng thời cũng là Hội thảo chuyên đề lần thứ 20 của ASJA-ASCOJA.
Sự kiện lần này có một ý nghĩa to lớn, do là sự kiện đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau gần 3 năm các hoạt động của ASJA, ASCOJA bị gián đoạn bởi đại dịch Covid 19. Đồng thời, sự kiện này cũng là một dấu mốc trong các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập VAJA (2001 – 2021) vốn đã bị lùi lại do đại dịch. Chính vì các ý nghĩa ấy, mà công tác chuẩn bị cho Hội thảo cũng đã được Ban Chấp hành VAJA quan tâm rất chi tiết. Có thể nói đây là sự cố gắng lớn của Ban tổ chức Hội thảo. Ngoài vấn đề thời gian (tổ chức ngay sau khi Việt Nam quay lại tình trạng bình thường mới sau đại dịch) và địa điểm (xa Hà Nội- nơi có trụ sở của VAJA) thì Ban tổ chức còn đối mặt với những khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức hội thảo quốc tế trong bối cảnh vẫn còn một số lo ngại về vấn đề đại dịch và tình hình/ chính sách phòng chống dịch của Nhật Bản và các nước Đông Nam Á vẫn chưa thống nhất và có nhiều khác biệt. Tuy vậy, Hội thảo lần này đã quy tụ được gần 180 đại biểu tham dự, bao gồm các đại biểu đến từ Nhật Bản và đại diện cựu lưu học sinh, các báo cáo viên đến từ 10 nước Đông Nam Á kể cả Việt Nam (trong đó chỉ đại biểu Indonesia tham dự trực tuyến). Hội thảo nhận được hơn 30 báo cáo, trong đó 16 báo cáo được lựa chọn để trình bày tại các phiên hội thảo trong ngày 25/6/2022.
Chủ đề của Hội thảo “Ứng dụng ICT, số hóa và các vấn đề giáo dục trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu” được chia thành 3 tiểu ban: 1) Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong giáo dục; 2) Giáo dục ngoại ngữ và việc tiếp nhận công nghệ thông tin trong đào tạo ngoại ngữ; và 3) Ảnh hưởng của đại dịch covid-19 trong ngành giáo dục. Với thời gian hạn chế trong một ngày 25/6, tổng số 16 báo cáo đã được trình bày tại Hội thảo với số lượng tương đối đồng đều giữa các tiểu ban.
Hội thảo đã hân hạnh nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều đại biểu. Về phía đại biểu Nhật Bản, Hội thảo đã vinh dự được đón tiếp ông Yamada Takio – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yakabe Yoshinori – Tổng Lãnh sứ quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, ông Matsuoka Kazuhisa, bà Hagihara Chikako – đại diện ASJA International, ông Kusakabe Kazuo – Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Quốc tế Toshiba tại Hà Nội, bà Okamoto Noriko – Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Về phía các nước Đông Nam Á, Hội thảo được chào đón các đại biểu là đại diện lãnh đạo và nhà chuyên môn của 10 hội cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản (bao gồm Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Myanma, Brunei, Thái Lan, Lào, Campuchia, các báo cáo viên đến từ 10 nước Đông Nam Á kể cả Việt Nam (trong đó chỉ có đại biểu Indonesia tham dự trực tuyến).
Về phía Việt Nam, tham dự hội thảo có ông Nghiêm Vũ Khải – Nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, Chủ tịch danh dự của VAJA, ông Ngô Tự Lập – Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, ông Nguyễn Tô Chung – Phó trưởng ban Đề án ngoại ngữ Quốc Gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Lê Quốc Tiến – Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nhật thành phố Hải Phòng/ Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội thuộc Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, ông Ngô Quang Vinh –Phó hiệu trưởng trường đại học Đông Á, cùng sự tham dự của hơn 180 đại biểu đang công tác trong lĩnh vực giáo dục và sinh viên các trường đại học tại Đà Nẵng.
Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Ngô Minh Thủy, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam ông Yamada Takio cũng đã phát biểu chúc mừng hội thảo. Đại sứ đánh giá cao các hoạt động của VAJA nói chung và việc tổ chức Hội thảo JASE nói riêng, đồng thời bày tỏ mong muốn mối quan hệ Việt Nam- Nhật Bản ngày càng phát triển và bền chặt. Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đại diện ASJA International- ông Matsuoka Kazuhisa và của Chủ tịch đầu tiên của VAJA- ông Nghiêm Vũ Khải đều khẳng định Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hậu Covid và bình thường hóa.
-
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam ông Yamada Takio phát biểu chúc mừng tại Hội thảo
-
Chủ tịch đầu tiên của VAJA- ông Nghiêm Vũ Khải phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã thực hiện liên tục các báo cáo và thảo luận thuộc phiên toàn thể trong buổi sáng, gồm 4 báo cáo với chủ đề về ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi số và công nghệ 4.0 trong giáo dục nói chung và đào tạo ngoại ngữ nói riêng. Sau quá trình phân tích, TS Đào Tùng đến từ Viện Nghiên cứu Pháp ngữ đã chỉ ra các ảnh hưởng tích cực và thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục cả về quan niệm và cách thực hiện. Các báo cáo viên đề cao sự tiếp nối trong cách thức truyền thống và chuyển đổi số, trong đó sự giao tiếp giữa người với người, cụ thể là giữa giáo viên-học sinh và giữa học sinh với nhau được coi là tối quan trọng. Một cách nhìn nhận và lập luận khác, báo cáo của đại biểu đến từ Philippine, TS. Ronilo Jose D. Flores, cũng đưa ra những khuyến nghị quan trọng về sự bảo đảm quá trình giao tiếp trực tiếp giữa người với người trong giáo dục, đặc biệt là qua thời gian thực hành việc dạy và học online trong đại dịch vừa qua.
-
TS. Đào Tùng trình bày báo cáo
-
TS. Ronilo Jose D. Flores trình bày báo cáo
Báo cáo của PGS.TS Nguyễn Tô Chung – Ủy viên Ban Chấp hành VAJA, Phó trưởng ban Đề án ngoại ngữ Quốc Gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nêu bật sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong tổ chức dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt trong yêu cầu của sự phát triển công nghiệp 4.0; dạy và học ngoại ngữ gắn liền với giao lưu trao đổi văn hóa. Trong mối quan hệ hữu nghị với Nhật Bản, việc này càng trở nên quan trọng và cần được quan tâm chi tiết, phong phú hơn nữa ở mọi tổ chức và theo nhiều hình thức để đạt hiệu quả. Nối tiếp chủ đề này trong một lĩnh vực cụ thể là một báo cáo về vấn đề giáo dục tiếng Nhật và truyền bá văn hóa Nhật Bản trong tầng lớp công nhân lao động tại thành phố Hải Phòng nơi có sự tập trung đông đảo các doanh nghiệp Nhật Bản và người lao động Việt Nam . Mối quan tâm sâu sắc và cụ thể được truyền tải qua báo cáo của PGS.TS Lê Quốc Tiến – Hội Hữu nghị Việt-Nhật thành phố Hải phòng, Ủy viên Hội đồng Nhân dân thành phố Hải phòng, Ủy viên Ban Chấp hành VAJA, đối với việc nâng cao tầm vóc của người lao động Việt Nam đáp ứng sự chuyển đổi về mặt tổ chức và quan hệ lao động với các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nói chung, đã trở thành một trong những đề tài rất đáng chú ý.
-
PGS.TS Lê Quốc Tiến trình bày báo cáo
-
PGS.TS Nguyễn Tô Chung trình bày báo cáo
Ban tổ chức trao quà cảm ơn 4 diễn giả trong phiên toàn thể
Buổi chiều, các đại biểu của Hội thảo được phân thành 3 tiểu ban theo từng chuyên đề. Mỗi chuyên đề có 4 bản báo cáo được trình bày. Đối với chuyên đề thứ nhất “Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong giáo dục”, báo cáo của các đại biểu: Tan Meng Wee của Singapore, Nguyễn Quang Như Quỳnh của Đại học Đà Nẵng, Bùi Thị Thanh Vân của Trường Cao đẳng nghề Việt – Hàn Bắc Giang và Va Kora của Campuchia mặc dù với cách trình bày và xuất phát điểm khác nhau song các báo cáo có sự nhất trí chung về các thách thức trong thời đại công nghiệp 4.0 và đại dịch covid-19 đã tác động lớn đến công tác tổ chức hoạt động dạy và học, cũng như nêu ra những nét phác thảo quan trọng mà ngành Giáo dục và Nhà nước cần phải quan tâm nhằm thích ứng hiệu quả với sự tiến triển và các biến cố trong thời gian vừa qua.
Các báo cáo trong tiểu ban thứ nhất “Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong giáo dục”
Đối với nhóm chuyên đề thứ hai “Giáo dục ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo ngoại ngữ”, các đại biểu Hari Setiawan, Hayun Nurdiniyah của Indonesia đến từ Trường Đại học Darma Persada đã nêu ra một phương pháp quan trọng trong việc nâng cao năng lực tiếp thu ngoại ngữ trong quá trình học của sinh viên đó là tận dụng công nghệ đám mây như một cách hỗ trợ hoặc thay thế cho sự hạn chế của việc giao tiếp trực tiếp. Đại biểu Nguyễn Minh Ngọc (ĐH Quốc tế Tokyo) và đại biểu Nguyễn Thanh Huyền (Viện nghiên cứu con người) có những dự báo về xu hướng tăng cao của yêu cầu đào tạo ngoại ngữ trong bối cảnh quan hệ ngoại giao phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản. PGS.TS. Varesa Chuwattanakul từ Học viện kỹ thuật Ladkrabang đã trình bày về các thay đổi trong hệ thống giáo dục Thái Lan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới ngành giáo dục. TS. Nguyễn Song Lan Anh từ đại học Hà Nội trình bày nghiên cứu thực hiện hoạt động hợp tác giữa người học (peer learning) trong các giờ Thực hành Dịch nói. Phương pháp này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực ngôn ngữ và năng lực tự học của sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa tiếng Nhật.
Các báo cáo trong tiểu ban thứ hai “Giáo dục ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo ngoại ngữ”
Đối với nhóm chuyên đề thứ ba “Ảnh hưởng của đại dịch covid-19 trong ngành Giáo dục”, TS. Hla Myat Mon của Myanmar; TS. Au Young Hui Nee của ĐH Tunku Abdui Rahman, Malaysia; ông Hatsavanh Haemany của Học viện SHCHIDA, Lào, TS. Phạm Thị Hà – Trường Quản trị và Kinh doanh – ĐHQGHN với cách nhìn đa dạng từ cơ sở giáo dục mà đại biểu đang làm việc cũng như đối với các đối tượng học sinh, sinh viên của mình, đã nêu bật các mối quan tâm về ảnh hưởng của đại dịch, cũng như phương pháp khắc phục một cách lâu dài và bền vững.
Các báo cáo trong tiểu ban thứ ba “Ảnh hưởng của đại dịch covid-19 trong ngành Giáo dục”
Đại biểu tham dự đã thể hiện mối quan tâm bằng nhiều câu hỏi trao đổi, phản biện hoặc bổ sung rất phong phú. Mọi báo cáo đều nhận được các câu hỏi hoặc ý kiến trao đổi, điều đó đã làm cho Hội thảo tăng thêm phần sôi động và chất lượng.
Ban tổ chức trao quà cảm ơn các diễn giả báo cáo tại các tiểu ban
Sau phần báo cáo và thảo luận tại 3 tiểu ban, Hội thảo đi đến phần thảo luận bàn tròn dưới sự chủ trì của PGS. TS Lâm Quang Đông- Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đầu tiên, các đại biểu lắng nghe phần tổng kết do chủ trì của 3 tiểu ban trình bày (PGS.TS. Đỗ Hoàng Ngân, PGS.TS. Phạm Hồng Long và TS. Đào Tùng). Bên cạnh đó, ông Gary Tang – JAGAM, PGS.TS. Myo Khin – MAJA, ông Bandaxay Lovanxay – JAOL, TS. Ngov Penghuy – JAC và PGS.TS. Lâm Quang Đông – Đại học Ngoại Ngữ cũng đã chia sẻ những ý kiến hết sức sâu sắc quý giá về những khó khăn nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục ngoại ngữ đã trải qua, cách hướng tới giáo dục hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới.
-
Thảo luận bàn tròn tại phiên toàn thể thứ 2 của Hội thảo
-
Ban tổ chức trao quà cảm ơn các diễn giả tham gia phiên thảo luận bàn tròn
Kết thúc Hội thảo, buổi Gala Dinner đã được VAJA tổ chức nhằm chúc mừng thành công của Hội thảo và chúc mừng 20 năm thành lập CLB. Trong không khí trang trọng và vui vẻ giữa các thành viên ASCOJA đã vững vàng cùng nhau vượt qua đại dịch, với nhiệt huyết sôi nổi đầy chất lãng mạn của các cựu sinh viên, đêm gala đã mang lại một hứa hẹn tốt đẹp về sự phát triển của văn hóa giáo dục cũng như quan hệ hợp tác chiến lược giữacác nước ASEAN và Nhật Bản.
Một số hình ảnh từ đêm gala
VAJA tặng quà cảm ơn các đối tác đã đồng hành cùng CLB trong thời gian qua
Ngày 26/6, Ban tổ chức đã thu xếp một chuyến tham quan Hội An cho các đại biểu. Đây là dịp giới thiệu với các bạn bè quốc tế về văn hóa và thiên thiên Việt Nam. Đặc biệt, Hội An là thành phố ghi dấu ấn của mối bang giao văn hóa- kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam nên chuyến đi mang nhiều ý nghĩa.