Từ khoảng 20.000 ca nhiễm một ngày vào tháng 8, số ca ở Nhật Bản đột ngột giảm thẳng đứng cho đến giữa tháng 10, trở thành câu chuyện về thành công chống dịch có phần bí ẩn.
Ca mắc mới tại Nhật hiện giảm mạnh so với mức đỉnh vào giữa tháng 8. Khi ấy, Tokyo ghi nhận tới 6.000 người mắc Covid-19 một ngày. Đến ngày 17/10, thủ đô chỉ báo cáo 40 trường hợp dương tính, thấp nhất trong năm, đánh dấu ngày thứ 9 liên tiếp có dưới 100 ca mới và là mức thấp nhất trong 11 tháng qua.
Người dân trở lại cuộc sống bình thường. Các quán bar chật cứng, tàu điện ngầm lại đông đúc, công chúng xuống đường với tâm trạng hân hoan, dù không ai biết chính xác vì sao dịch bệnh tại Nhật Bản đột ngột suy yếu.
Khác với các nước châu Âu và châu Á, Nhật chưa từng thực hiện phong tỏa, chỉ ban bố tình trạng khẩn cấp ở các vùng trọng điểm. Tuy nhiên, giới chuyên gia phỏng đoán một số yếu tố dẫn đến thành công chống dịch: chiến dịch tiêm chủng khởi động muộn màng nhưng triển khai nhanh chóng; người dân không lui tới các quán bar do dịch lan rộng; thói quen đeo khẩu trang từ trước đại dịch và thời tiết xấu vào tháng 8 khiến mọi người tự động ở nhà.
Nhiều người cho rằng chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, đặc biệt là ở người trẻ tuổi, đã khiến số ca nhiễm giảm xuống. Đến nay, gần 70% người dân Nhật Bản đã được tiêm phòng đầy đủ chống Covid-19.
Kazuhiro Tateda, giáo sư virus học tại Đại học Toho, cho biết: "Việc tiêm phòng nhanh chóng và mạnh mẽ ở người dưới 64 tuổi khiến nước này tạm thời đạt ngưỡng gần với miễn dịch cộng đồng".
Tateda lưu ý tỷ lệ tiêm chủng đã tăng từ tháng 7 đến tháng 9, trong khi biến thể Delta lan nhanh. Song dựa trên kinh nghiệm về lây nhiễm nCoV đột phá của các nước đi trước là Anh và Mỹ, ông cho rằng chỉ vaccine là không đủ. Hiệu quả của các liều tiêm sẽ suy yếu theo thời gian.
Chiến dịch tiêm chủng của Nhật Bản bắt đầu vào giữa tháng 2. Nhóm ưu tiên là nhân viên y tế và người cao tuổi. Song chương trình diễn ra chậm chạp cho đến cuối tháng 5 do tình trạng khan hiếm vaccine. Khi nguồn cung ổn định, chính phủ nâng mục tiêu tiêm chủng lên một triệu liều mỗi ngày để đảm bảo an toàn tối đa cho cộng đồng trước Thế vận hội Olympic.
Tháng 7, số vaccine tiêm mỗi ngày tăng lên khoảng 1,5 triệu liều, đẩy tỷ lệ tiêm chủng từ 15% (đầu tháng 7) lên 65% (đầu tháng 10), vượt qua mức 57% của Mỹ.
Chỉ vài tuần trước Olympic, số ca mắc mới tăng lên. Nhật Bản nỗ lực giữ ca nhiễm nCoV hàng ngày ở Tokyo khoảng 5.000, trên toàn quốc khoảng 20.000 ca vào đầu tháng 8. Hiện tại, trên toàn quốc, Nhật Bản ghi nhận 429 ca mỗi ngày.
Nhiều người vẫn thắc mắc đâu là lý do thực sự khiến số ca Covid-19 giảm thẳng đứng.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Norio Ohmagari nhìn nhận: "Đó là câu hỏi hóc búa. Chúng ta cần tính đến ảnh hưởng cực kỳ lớn của chương trình tiêm chủng. Song đồng thời, chúng ta cũng phải tính đến những người tham gia các buổi tụ tập đông đúc, thông gió kém, gây nguy cơ bùng phát dịch. Họ có thể nhiễm bệnh và có miễn dịch tự nhiên".
Một số chuyên gia suy đoán số ca nhiễm thấp là do Nhật Bản ít xét nghiệm nCoV hơn trước đây. Song dữ liệu của chính quyền Tokyo cho thấy tỷ lệ dương tính đã giảm từ 25% vào cuối tháng 8 xuống còn 1% vào giữa tháng 10, trong khi số xét nghiệm chỉ giảm một phần ba. Theo Masataka Inokuchi, Phó giám đốc Hiệp hội Y khoa Tokyo, tỷ lệ dương tính giảm cho thấy dịch bệnh đã thực sự suy yếu.
Ngay từ đầu, Nhật Bản không áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt mà tập trung ngăn ngừa cụm dịch tại quán bar, nhà hàng. Các cơ sở được yêu cầu đóng cửa sớm và không phục vụ đồ uống có cồn. Người dân vẫn được phép đi lại trên những chuyến tàu điện đông đúc, tham dự sự kiện thể thao, văn hóa tại sân vận động, miễn là tuân thủ biện pháp an toàn phòng dịch.
Đến nay, chính phủ đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, từng bước mở rộng hoạt động kinh tế, xã hội, đồng thời cho phép tổ chức các giải đấu, những chuyến du lịch chọn gói, sử dụng thí điểm thẻ xanh tiêm chủng và tăng cường xét nghiệm.
Để đẩy mạnh tiêm phòng, cựu Thủ tướng Yoshihide Suga đã mở rộng nhóm đối tượng đủ điều kiện nhận vaccine, mở các trung tâm chủng ngừa quy mô lớn và thúc đẩy tiêm chủng tại nơi làm việc kể từ cuối tháng 6. Hiroshi Nishiura, giáo sư Đại học Kyoto, ước tính chiến dịch này đã cứu sống hơn 7.200 người, giúp 650.000 người không mắc Covid-19 trong tháng 3 đến tháng 9.
Nhiều chuyện gia ban đầu đổ lỗi cho người trẻ tuổi, nói rằng họ là nguyên nhân làm lây lan Covid-19 do uống rượu trên đường phố, trong công viên khi quán bar đóng cửa. Song dữ liệu cho thấy người trung niên, tuổi từ 40 đến 50, cũng thường xuyên lui tới các tổ hợp giải trí về đêm. Hầu hết các ca nhiễm nặng và tử vong là ở người từ 50 tuổi trở xuống chưa tiêm phòng.
Takaji Wakita, Giám đốc Viện Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, lo ngại khi người dân đã trở lại tiệc tùng ở các quán bar, hộp đêm. Ông lưu ý số ca nhiễm có thể đã ở mức đáy.
"Trong tương lai, phải khiến số ca giảm mạnh hơn nữa để đề phòng dịch tái bùng phát", ông nói.
Hôm 15/10, tân Thủ tướng Fumio Kishida công bố dự thảo cho tháng 11, giới hạn khắt khe hơn với các hoạt động, yêu cầu bệnh viện bổ sung giường và nhân viên điều trị Covid-19 "trong trường hợp xấu nhất".
Trong khi đó, người dân vẫn cẩn trọng và không buông lỏng cảnh giác, bất kể số ca nhiễm ra sao. Đối với Mizuki Kawano, một sinh viên đại học, việc đeo khẩu trang đã trở nên "quá đỗi bình thường". "Tôi vẫn lo lắng về virus. Tôi không muốn đến gần những người không đeo khẩu trang", cô nói.
Các chuyên gia y tế công cộng muốn điều tra toàn diện về lý do khiến dịch bệnh tại Nhật Bản suy yếu đột ngột. Phân tích dữ liệu GPS cho thấy hoạt động của người dân ở các khu vui chơi giải trí lớn tại trung tâm thành phố đã giảm khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp lần ba.
Atsushi Nishida, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội & Khoa học Y học tại Viện Y tế Thủ đô Tokyo, cho biết: "Tôi tin rằng việc giảm số người đến khu giải trí và tiến độ tiêm chủng đã góp phần khiến dịch bệnh suy yếu". Song khi người dân trở lại hoạt động bình thường sau tình trạng khẩn cấp, có thể tình hình sẽ thay đổi trong tuần tới.
Thục Linh - Vnexpress (Theo AP)