Hotline: 0987 28 28 26

Một số luận giải về triết lý giáo dục

21/12/2021 2.607 lượt xem
Triết lý giáo dục là triết lý được áp dụng cho giáo dục như một lĩnh vực chuyên biệt trong quá trình nghiên cứu của nhân loại. Triết lý về giáo dục liên quan đến những tác động đặc trưng của triết học ảnh hưởng đến giáo dục. Triết lý giáo dục góp phần định hướng nền giáo dục của một quốc gia.
1. Triết lý giáo dục là gì?
Triết lý giáo dục là một lĩnh vực triết học ứng dụng, nghiên cứu về các mục tiêu, hình thức, phương pháp, và kết quả của giáo dục với tư cách là một quá trình và với tư cách một ngành học.Triết lý giáo dục chịu sự ảnh hưởng của cả những phát triển trong chuyên ngành triết học (đặc biệt là những vấn đề về đạo đức học và nhận thức luận) và cả những vấn đề nổi lên từ thực tế giảng dạy.
Nói một cách cụ thể hơn, triết lý giáo dục là triết lý được áp dụng cho giáo dục như một lĩnh vực chuyên biệt trong quá trình nghiên cứu của nhân loại. Triết lý về giáo dục liên quan đến những tác động đặc trưng của triết học ảnh hưởng đến giáo dục. Triết lý giáo dục góp phần định hướng nền giáo dục của một quốc gia.
Triết học của giáo dục không tự nhiên mà có. Nó xuất hiện trong bối cảnh lịch sử và bối cảnh cụ thể, có thể xác định được.

 
 
Nói đến triết lý giáo dục, có thể xét trên 3 phương diện lần lượt là cá nhân, công chúng và chuyên nghiệp: i) Nếu xét trên khía cạnh cá nhân, thì triết học giáo dục liên quan đến điều tốt, lẽ phải và đánh giá trong giáo dục; ii) Nếu xét trên khía cạnh công chúng, thì có nghĩa là tập trung định hướng hoạt động cho nhiều người; iii) Nếu xét trên khía cạnh chuyên nghiệp, thì triết học giáo dục cung cấp những giải pháp cụ thể cho giảng dạy.
Có nhiều cách phân loại triết lý giáo dục, nếu phân theo nội dung sẽ có: Triết lý giáo dục xã hội (giáo dục tinh thần trách nhiệm xã hội); Triết lý giáo dục nhân văn (gồm cả giáo dục đạo làm người - hạt nhân của triết lý nhân sinh); Triết lý giáo dục tự nhiên; Triết lý giáo dục kỹ thuật tổng hợp; Triết lsy giáo dục hành dụng (học đi đôi với hành); Triết lý giáo dục toàn diện (trí, đứa, thể, mỹ); Triết lý giáo dục họa suốt đời.
Theo quan điểm của các chuyên gia giáo dục hiện nay, triết lý giáo dục là quan điểm, tư tưởng chủ đạo, cốt lõi của hoạt động giáo dục mà chủ thể hoạt động đề ra nhằm định hướng cho con người hành động. Câu hỏi chung nhất mà triết lý giáo dục phải trả lời là hoạt động dạy - học nhằm mục đích gì? nền giáo dục muốn đào tạo ra con người như thế nào?
Như vậy, triết lý giáo dục có thể hiểu là những quan điểm, tư tưởng chủ đạo, cốt lỗi phản ánh một cách khái quát dưới dạng mệnh đề cô đúc, ngắn gọn về mục đích của giáo dục nhằm đáp ứng các yêu cầu của xã hội trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, có tác dụng định hướng hành động cho con người. Xét theo các mối quan hệ, thì triết lý giáo dục là một tư tưởng giáo dục xuất phát từ nhu cầu nhu cầu thực tiễn, tồn tại trên nền tảng của văn hóa, chịu sự chi phối của ý thức hệ, hướng đến lý tưởng, là cơ sở nhằm xác lập các nguyên lý thực hành trong giáo dục.


2. Triết lý giáo dục của 1 số quốc gia
Nếu như tìm hiểu, bạn sẽ thấy triết lý giáo dục của 1 số quốc gia không giống nhau. Dưới đây là triết lý về giáo dục của những nước có hệ thống giáo dục được đánh giá cao.
  • Triết lý giáo dục của Singapore
Triết lý giáo dục của Singapore đề cao việc nắm bắt tốt tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ và toán học. Ngoài ra, họ còn nhấn mạnh tới yếu tố đạo đức trong hệ thống giáo dục.
  • Triết lý giáo dục của Mỹ
Ở Mỹ, triết lý giáo dục sẽ dựa trên tính dân chủ, tự do, như chính cuộc sống của người dân ở quốc gia này. Triết lý giáo dục này có phần kế thừa của các nước châu Âu.
  • Triết lý giáo dục của Hy Lạp
Quốc gia này đề cao vai trò của giáo dục đối với nền kinh tế của đất nước. Vì thế triết lý giáo dục của Hy Lạp luôn gắn liền với câu hỏi “Tại sao cần có triết lý giáo dục? Và cái nó tạo ra là gì?”
  • Triết lý giáo dục của Hàn Quốc
Người Hàn Quốc tin vào triết lý: “Giáo dục thay đổi số phận” – rằng giáo dục cải biến số phận của cá nhân, của gia đình, số phận của doanh nghiệp và thay đổi vận mệnh dân tộc. 
  • Triết lý giáo dục của UNESCO
UNESCO đã xác định 4 trụ cột giáo dục, gồm: “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình”. Đây được coi là triết lý giáo dục tương đối cô đọng, phù hợp với nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới.

3. Việc xây dựng triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay
Có thể khái quát quá trình biến đổi của triết lý giáo dục nước ta qua các thời kỳ phát triển lịch sử như sau: Triết lý giáo dục Việt Nam thời phong kiến là “học để làm quan”; Thời thực dân Pháp thống trị là “học để làm công chức phục vụ chính quyền thuộc địa”; Thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến trước công cuộc đổi mới là “con ngoan trò giỏi”. Triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay là “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” để xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Từ thế kỷ X, sau khi giành được độc lập dân tộc trên toàn lãnh thổ, chế độ phong kiến Việt Nam được hình thành và trải qua quá trình biến đổi, phát triển đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Cơ sở tư tưởng chủ yếu để hoạch định đường lối đức trị, định ra pháp luật, hoạch định việc giáo dục khoa cử lựa chọn nhân tài là Nho giáo. Tư tưởng giáo dục chủ đạo phổ biến của Việt Nam trong nền giáo dục khoa cử Nho học là "học để làm quan". Vì vậy, "Học để làm quan” trở thành triết lý giáo dục của nền giáo dục Việt Nam thời phong kiến. Tư tưởng này đáp ứng được các tiêu chí của Triết lý giáo dục, vừa đủ khái quát cho cả giai đoạn lịch sử và vừa đủ đáp ứng những nhu cầu của Việt Nam trong giai đoạn lịch sử ấy. “Học để làm quan” cũng là mục tiêu cho cả người đi dạy và đi học. Để được làm quan thì phải thi cử. Việc thi cử và làm quan cần kiến thức gì thì người xưa chỉ tập trung dạy và học đúng những kiến thức đó. Tiên học lễ, hậu học văn là tư tưởng phản ánh thứ tự ưu tiên giữa đạo đức và văn hóa trong giáo dục. Những tư tưởng phản ánh vai trò của người thầy trong phương pháp giáo dục để đạt mục tiêu thi đậu làm quan là “không có thầy đố mày làm nên”, “muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Xã hội Việt Nam thời kỳ thực dân Pháp thống trị, triết lý giáo dục cai trị được thay đổi từ “học để làm quan” sang “học để làm công chức phục vụ chính quyền thuộc địa”. Đối lập với triết lý giáo dục cai trị là triết lý giáo dục của lực lượng tri thức yêu nước và của đại bộ phận dân chúng Việt Nam. Tư tưởng “giáo dục yêu nước” với mục tiêu giành độc lập dân tộc trở thành triết lý giáo dục chủ đạo. Vì vậy các tư tưởng “khai dân trí”, “khoa học, dân tộc, đại chúng” thể hiện những mục tiêu và giải pháp cụ thể của triết lý giáo dục yêu nước. Khi nhân dân giành được độc lập, triết lý của lực lượng trí thức yêu nước này đã bị vượt qua.
Giai đoạn từ khi ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến trước thời kỳ đổi mới (1986) là giai đoạn chuyển tiếp. Chính vì tính chất chuyển tiếp, cho nên có nhiều tư tưởng giáo dục xuất hiện. Việc xác định tư tưởng nào có thể trở thành triết lý giáo dục rất khó khăn, phức tạp. Mở đầu đất nước giành được độc lập là tư tưởng “Xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Tư tưởng này hướng đến tạo ra một thế đứng cho nền giáo dục, không nêu mục đích của giáo dục, do vậy không phải là triết lý giáo dục.
 
Trong xã hội Việt Nam thời kỳ trước đây, đại bộ phận người Việt Nam đều mong muốn con em của mình thông qua giáo dục đáp ứng được hai yêu cầu “ngoan” và “giỏi”. Người “ngoan” là yêu cầu về giáo dục phẩm chất, người “giỏi” là yêu cầu giáo dục về năng lực, trí tuệ. Trong cuộc sống, ngoan và giỏi là cặp từ đi liền với nhau. Tư tưởng “con ngoan, trò giỏi” vừa đáp ứng được các yêu cầu của triết lý giáo dục, vừa cho thấy những mục tiêu mong đợi cơ bản của kết quả giáo dục một cách cụ thể, rõ ràng theo nguyện vọng của đa số người Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại. Những mục tiêu ấy đã được hiện thực hóa trong giai đoạn truyền thống và chuyển tiếp, về cơ bản vẫn còn dùng cho ngày nay.
Giai đoạn cách mạng mới của Việt Nam được bắt đầu khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Cương lĩnh của Đảng đã định hướng: giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực bồi dưỡng nhân tài góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo cho nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.
Trên cơ sở mục tiêu lý tưởng xã hội xã hội chủ nghĩa và định hướng về giáo dục và đào tạo của Đảng, có thể khái quát triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay là: Giáo dục nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Triết lý giáo dục Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập là một tư tưởng giáo dục xuất phát từ nhu cầu thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Triết lý giáo dục ấy tồn tại trên nền tảng của nền văn hóa Việt Nam, nhằm hướng tới xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nghiên cứu sâu hơn về thực trạng giáo dục và triết lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay có thể thấy, giáo dục tuy vẫn được coi là một trong những vấn đề quốc gia đại sự, bởi nó ảnh hưởng, quyết định đến sinh mệnh dân tộc, đến sự văn minh, phồn thịnh hay nghèo nàn, lạc hậu của đất nước. Tuy nhiên, hậu quả của việc không có chiến lược phát triển giáo dục cụ thể, chưa định danh rõ ràng về triết lý giáo dục là một nền giáo dục phát triển tự phát, là sự manh mún, bất cập, xa thực tiễn, và còn hơn nữa, kéo theo những hệ luỵ vô cùng nguy hại đến sự ổn định và phát triển đất nước. Đào tạo tràn lan, thừa thầy thiếu thợ, học không đi đôi với hành, chạy theo thành tích, trò ngồi nhầm lớp, thầy đứng nhầm lớp…, đó là những mặt yếu kém của một nền giáo dục không được nghiên cứu, thử nghiệm nghiêm túc trên cơ sở khoa học và thực tiễn một cách minh triết. Những giải pháp tình thế, những kế hoạch mang tính thời vụ chỉ có thể giải quyết được những sự việc ở phạm vi nhỏ hẹp, ở tầm thấp, ngắn, chứ không thể đủ sức để vươn tới những chiến lược phát triển con người toàn diện. Cũng không thể ảo tưởng, kì vọng mãi về một nền giáo dục áp đặt, chính qui, trường ốc đã làm tiêu tan đi biết bao những ước mơ, sáng tạo của nhiều thế hệ lòng vòng mà không đến được với “thực học và thực nghiệp”. Bài học về tư duy hệ thống càng có ý nghĩa hơn khi đổi mới giáo dục, xây dựng chiến lược chương trình giáo dục nhằm tạo thế ổn định, thống nhất để phát triển bền vững, hài hoà trong tổng quan đời sống con người, xã hội. Và, cũng không thể giữ mãi quan điểm duy lý, ảo tưởng và áp đặt cho mọi đối tượng giáo dục; cũng không thể an tâm, cầu toàn, tự huyễn hoặc để mong đạt thành tích ảo khi chỉ lo nhằm đáp ứng, cung cấp nguồn nhân lực cho một xã hội quá ư đề cao tính tiêu dùng và thực dụng.
   Giáo dục cần một sự đổi thay để phát triển. Giáo dục cần có kế sách để trụ vững và thoát khỏi luồng xoáy lốc cơ chế thị trường. Khi mà người người, nhà nhà có xu hướng đi làm kinh tế, tính toán lỗ lãi, cập nhật giá cả từng phút, giành giật cơ hội làm ăn bằng mọi giá thì dường như nhà trường cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy đó, chiếc áo thương mại hoá đã có lúc khoác lên, làm cho hình ảnh về trường học, thầy trò ít nhiều méo mó. Liệu có đảm bảo chắc chắn trường học với sự tôn nghiêm, sùng bái trí tuệ, trân trọng đạo đức có từ hàng ngàn năm còn trụ vững trước những cởi mở đến lơi lỏng của các qui phạm ngoài xã hội. Để xây dựng chiến lược phát triển giáo dục cần bám sát thực tiễn công tác giáo dục của nước nhà, tình hình xã hội và những lí thuyết mang ý nghĩa triết học, phương pháp luận liên quan mật thiết với giáo dục và phát triển con người. Những chương trình, đề án giáo dục cần được nghiên cứu, triến khai phù hợp với nhu cầu, khả năng thực tế của từng đối tượng, địa phương, vùng miền khác nhau; và cần tính đến khả năng dự báo về xu hướng, tiềm lực, kết quả, và cả những hệ luỵ trái chiều có thể xảy ra. Tất nhiên, sự toàn vẹn tuyệt đối là không tưởng, nhưng giữ được thế ổn định trên đà phát triển cũng là một thành công của những hoạch định chiến lược quốc gia.
Giáo dục phải đi trước sự phát triển, triết lý giáo dục cần được nghiên cứu, bàn bạc, xây dựng thống nhất để trả lời thoả đáng yêu cầu về “Giáo dục là gì? Giáo dục cho ai? Giáo dục như thế nào” trong tổng thể hoàn thiện các mặt đời sống xã hội. Những lộ trình đổi mới hoặc đổi mới giáo dục hay một khâu nhỏ trong cái tổng thể đó cần được nghiên cứu, tính toán và thực thi một cách kĩ lưỡng và sát hợp với thực tế. Một nền giáo dục vì dân, vì sự hưng thịnh của đất nước là nền giáo dục luôn theo sát sự trưởng thành của con người từ thủa ấu thơ đến khi kết thúc cuộc đời, và hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần công dân qua các thế hệ. Triết lý giáo dục phải có tính định hướng để đổi mới nền giáo dục, hiện đại hóa quá trình giáo dục các cấp học, bậc học một cách cụ thể và hiệu quả.       
Đặt vấn đề xây dựng triết lý giáo dục và đổi mới giáo dục trong hoàn cảnh đất nước đã bước sang thời kì phát triển kinh tế thị trường có định hướng, thời hội nhập quốc tế sâu sắc là điều quan trọng và cần thiết. Triết lý đó cần được nghiên cứu, bàn bạc, lập trình trên cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn giáo dục nước nhà, và thống nhất với những định hướng phát triển đất nước. Triết lý đó sẽ theo sát với chiến lược đổi mới giáo dục, và cũng không thoát ly với chương trình, nội dung, phương pháp dạy học.
Phương pháp dạy học trong nhà trường được coi như là con đường, chìa khóa để người học tiếp cận kho báu tri thức nhân loại, là bệ đỡ đa năng và hữu dụng để thầy và trò phát huy mọi khả năng học tập, nghiên cứu, sáng tạo. Vấn đề đặt ra, phương pháp dạy học lựa chọn tư duy lý luận nào soi đường, và phương pháp dạy học sẽ được chọn lựa, vận dụng như thế nào cho hợp với thực tiễn, biện chứng với tư tưởng triết lý giáo dục.
Mục tiêu, nội dung giáo dục ảnh hưởng trực tiếp đến phương pháp dạy học trong nhà trường, tính định hướng của chương trình tác động đến hoạt động của các chủ thể tham gia quá trình dạy và học. Thầy và trò dạy học cái gì và như thế nào một thời được quan niệm là “quy định pháp lý” nên khó có thể sáng tạo hay tích cực hóa chủ thể dạy học. Phương pháp dạy học mang bản chất là sự thay đổi, không bị ràng buộc bởi những định kiến áp đặt, tư duy ngoài khoa học ngay cả khi nó đang được thực thi hiệu quả theo một mô hình, thói quen dạy học nào đó. Tính kế thừa, phát triển của phương pháp dạy học là một minh chứng cho sự đổi thay sáng tạo trong nội dung và hình thức của phương pháp.
Dạy học tích cực hóa người học, rèn luyện tư duy chủ động, tự chủ, tự học đang được coi là phù hợp với đổi mới phương pháp dạy học ngày nay. Các mô hình dạy học tiên tiến trên thế giới đang ngày một chủ tâm nhấn mạnh đến tính tích cực, tính cá thể hóa, chuyên biệt hóa trong dạy học nhằm phát huy vai trò, tư duy trí tuệ của cá nhân, làm giàu có tâm hồn từng cá thể giáo dục. Cá nhân đến trường học là tìm đến cơ hội phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ, với tâm thế chờ đợi sự kích hoạt để làm bừng sáng tiềm năng trí tuệ. Tâm thế này là tích cực, là sẵn sàng chủ động học tập, là điều kiện lý tưởng để nhà trường, thầy cô triển khai các hoạt động dạy học, tích cực hóa các phương pháp dạy học.
Được biết, UNESCO đã xác định 4 trụ cột giáo dục, gồm: “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình”. Đây được coi là triết lý giáo dục tương đối cô đọng, phù hợp với nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Qua quá trình nghiên cứu và từ thực tiễn hoạt động, gần đây UNESCO bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 là “Học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn”. Như vậy, giờ đây việc học không chỉ nhằm nâng cao hiểu biết, tầm nhìn; học để có kiến thức, kỹ năng làm việc; học để cùng chung sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác với người khác và dân tộc khác; học để khẳng định những giá trị tồn tại của cá nhân; mà ý nghĩa của việc học đã được mở rộng ở nội hàm mới: Đó là học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn.
Tuy chưa có triết lý giáo dục nhưng thông qua câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và câu “Học khôn đến chết, học nết đến già”, ông cha ta muốn đề cập nội dung học tập phải toàn diện, thời gian học phải thường xuyên, liên tục, học suốt đời thì mới không bị tụt lại phía sau. Từ những câu tục ngữ thể hiện quan điểm của dân tộc Việt Nam về việc học tập đến những trụ cột giáo dục của UNESCO, đứng trước nhu cầu thực tiễn của xã hội, đã đến lúc cần sớm tổng kết, đúc rút và đưa ra một triết lý giáo dục Việt Nam hàm súc, cô đọng, chứa đựng cả giá trị văn hóa hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt và những tinh hoa của giáo dục trong thời đại mới. Triết lý giáo dục này phải đủ sức soi đường cho con đường phát triển giáo dục của nước nhà trong thời gian tới, làm cơ sở đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước.  

Để phát triển, Việt Nam cần có một triết lý giáo dục mới. Trong kỳ họp Quốc hội gần đây, khi thảo luận dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị ngành giáo dục sớm nghiên cứu và công bố cho xã hội biết triết lý giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Để xây dựng  triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại, có nhiều phương pháp tiếp cận rất phong phú: tiếp cận theo chiều sâu lịch sử, tiếp cận xu thế của thời đại và xu hướng của thế giới, tiếp cận từ nhu cầu bức xúc từ thực tiễn của cuộc sống và có cách tiếp cận tích hợp tinh hoa dân tộc và thời đại. Có lẽ, để xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại, phương pháp  hợp lý nhất là phương pháp tích hợp những tinh hoa trong triết lý giáo dục của dân tộc và tinh hoa triết lý giáo dục của  thế giới, có sự bổ sung, phát triển, hoàn thiện thành triết lý giáo dục của Việt Nam./. 
 
(Tuyết Mai tổng hợp)
Nguồn: Clef.vn

Các bài viết khác

Nghệ thuật thị giác và kiến trúc Nhật Bản

12/07/2023 784 lượt xem
Kể từ đầu thế kỉ XX, do Nhật Bản giao lưu rộng rãi với thế giới, tất cả các trào lưu kiến trúc trên thế giới đều lần lượt ảnh hưởng đến Nhật Bản. Ngày nay, ở Nhật có hàng trăm công trình khổng lồ mang các phong cách khác nhau, trong đó nhiều công trình xứng đáng được coi là những công trình vĩ đại của thế kỉ.

Vẻ đẹp của ngôn từ

14/06/2023 525 lượt xem
Đến một lúc, đọc sách không chỉ là tìm kiếm tri thức, những câu chuyện hay, mà còn để thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ.

Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức buổi diễn thuyết của Giáo sư danh dự Đại học Waseda Trần Văn Thọ

27/10/2022 1.072 lượt xem
Đại sứ quán Nhật Bản sẽ tổ chức buổi diễn thuyết của Giáo sư danh dự Đại học Waseda Trần Văn Thọ để ghi nhận những đóng góp của Giáo sư và kỷ niệm việc xuất bản cuốn sách mới do ông viết bằng tiếng Việt có tiêu đề là Kinh tế Nhật Bản- Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 -1973 phân tích các yếu tố làm nên thời đại tăng trưởng cao độ của Nhật Bản để Việt Nam tham khảo.

Giải Sách hay lần thứ XI: Đi tìm phẩm tính của người Việt

19/09/2022 1.217 lượt xem
Dù không đả động trực tiếp nhưng bàng bạc trong các tác phẩm được vinh danh trong Giải Sách hay năm 2022 là những nỗi niềm đau đáu được gợi ra từ cuộc hành trình đi tìm căn tính, phẩm giá của người Việt Nam.
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC QUỐC TẾ VIỆT