Hotline: 0987 28 28 26

Tìm hiểu về bề dày và dấu ấn của văn học nhật bản

06/05/2022 2.163 lượt xem
Bàn về văn học Nhật Bản, Quốc Tế Việt xin trích dẫn một phần nhỏ trong cuốn “Văn học Nhật Bản và sự tiếp nhận văn học Nhật Bản tại Việt Nam” – Viện nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF)

Văn học Nhật Bản ra đời từ rất sớm. Trước khi văn học viết phát triển ở thế kỉ VIII thì văn học truyền miệng cũng đã hình thành, đó là những bài ca dao, truyền thuyết, văn khấn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mặc dù chữ Hán du nhập vào Nhật Bản từ khoảng thế kỉ III đến thế kỉ V, nhưng mốc hình thành văn học viết của Nhật Bản phải tính từ thời kì Cổ đại, thời kì Nara (710–792), những tác phẩm văn học Nhật Bản đầu tiên có thể kể đến là cuốn sách lịch sử Kojiki và Nihonshoki. Thời kì này cũng có sự xuất hiện của các tập thơ Kaifuso, tập dư địa chí Fudoki được viết bằng chữ Hán. Dấu ấn văn học thời kì Nara phải kể đến sự ra đời của chữ Manyogana – một loại chữ mượn chữ Hán để mô phỏng âm tiếng Nhật. Một tác phẩm thơ đồ sộ của thời kì này là tác phẩm Manyoshu (–760) gồm 20 cuốn thơ với hơn 4.500 bài thơ có thể thơ niêm luật quy định khá rõ ràng. Nội dung tập thơ phong phú gần gũi với tâm tư tình cảm, đời sống thưởng ngày của người dân thời bấy giờ.

Văn học thời kì Trung cổ, thời kì Heian (792–1192) có thể được đánh giá là giai đoạn rực rỡ của văn học Nhật Bản. Thời kì này có sự ảnh hưởng thơ văn nhà Đường Trung Quốc giai đoạn đầu với nhiều những tập thơ chữ Hán nhưng sau đó bước sang giai đoạn khởi sắc của văn học Nhật Bản với hàng loạt tác phẩm của tác giả nữ thuộc dòng văn học nữ lưu cung đình. Với sự ra đời của chữ Hiragana – hệ thống chữ viết do những người phụ nữ tự chế ra, tiền đề của chữ viết ngày nay, rất nhiều tác phẩm thuộc các thể loại như nhật kí, tuỳ bút, tiểu thuyết, truyện lịch sử đã ra đời nhằm lưu giữ tâm tư tình cảm của giới quý tộc lúc bây giờ. Thời kì này cũng được cho là thời kì định hình những mĩ cam nghệ thuật như cảm thức vẻ đẹp u buồn Aware và cảm thức vẻ đẹp thú vị Okashi.

Bên cạnh các tác phẩm thơ chữ Hán tiêu biểu như: Ryounshu, Bunka Shureishu, Keikoku shu là các tác phẩm thuộc thể loại nhật kí như Tosa nikki (935), Kagero nikki, Murasaki Shikibu Nikki. Văn học thời kì này đã có những tác phẩm văn xuôi như: Take tori monogatari, Ise monogatari, Genji monogatari. Tác phẩm thuộc thể loại tuỳ bút đầu tiên là Makura no shoshi. Các tác giả tiêu biểu của văn học thời kì này có thể kể tới Murasaki Shikibu, Kinotsura Yuki và Seishonagon.

Dấu ấn đậm nét nhất của văn học thời kì Heian là tác phẩm truyện tiểu thuyết trường thiên và ra đời sớm nhất trên thế giới, tác phẩm Genji monogatari, 54 cuốn với khoảng 400 nhân vật khắc hoạ một cách chân thực về đời sống quý tộc thời kì Heian với cốt truyện sinh động và lôi cuốn.

Thời kì Trung đại (1192 – 1603) với bối cảnh lịch sử là thời kì chiến loạn, văn học thời kì này được cho là văn học của tầng lớp võ sĩ. Bên cạnh các thể loại tập thơ, truyện lịch sử, tùy bút đã bắt đầu có những tác phẩm phê bình văn học. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh mà các văn học cũng không nở rộ như thời kì trước đó.

Bước vào giai đoạn Cận thế, thời kì Edo (1603 – 1868), khi chính quyền mạc phủ thiết lập chế độ bế quan toả căng, văn hoá văn học Nhật Bản không những phát triển mà còn phát triển một cách độc đáo và mang dấu dáu ẩn riêng. Sự phát triển của kĩ thuật in ấn mộc bản, hàng loạt càng làm cho văn học trở nên gần gũi phổ biến với người dân, văn học thời kì này được cho là văn học của những người dân thành thị. Thời kì Edo nổi lên tác giả Ihara Saikaku với các tác phẩm truyện phù thế, khắc hoạ chân thực đời sống của tầng lớp thị dân với những tâm tư, nhục cảm đời thường. Về hình thức thơ, không thể không nhắc đến sự ra đời của thế thơ ngắn nhất thế giới – thơ haiku và tác giả tiêu biểu là Matsuo Basho. Cuộc đời của Matsuo Basho đã để lại cho kho tàng thơ haiku Nhật Bản rất nhiều những bài thơ cô đọng mà sâu lắng với vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người. Mảng kịch nghệ thời kì này cũng phát triển với nhiều kịch bản hay về cuộc sống, tác giả tiêu biểu là Chikamatsu Monzaemon với thể loại kịch Joruri.
Giai đoạn cận - hiện đại (1868 đến nay) cũng là một giai đoạn văn học Nhật Bản phong phú chưa từng có. Cho đến trước những năm 1945, do bối cảnh lịch sử văn học Nhật cũng sớm chịu ảnh hưởng văn học phương Tây (tác phẩm dịch, tác phẩm của các tác giả đi du học về từ các nước Anh, Pháp, Đức,.... Đây là thời kì đa dạng trưởng phái văn học (văn học tả thực, hoài cổ, lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa phản tự nhiên, văn học tư sản lí tưởng nhân đạo, văn học vô sản, văn học cảm giác mới, văn học nghệ thuật mới, chủ nghĩa tâm lí mới, văn học vị nghệ thuật, văn học chuyển hướng,...). Với sự đa dạng về thể loại tiểu thuyết, tiểu thuyết tự truyện, truyện ngắn, phê bình văn học, thơ mới, thơ haiku,... Trào lưu giữ gìn và trào lưu cải cách thơ mới, phê bình thơ, thơ chủ đề phủ nhận xã hội, phản đối chiến tranh, thơ cá tính độc lập, đi tìm tự do tuyệt đối, thơ tanka, waka đổi mới theo hơi thở thời đại. Có thể kể tới các tác giả, tác phẩm tiêu biểu như Ukigumo (Futaba Teishimei), Nigorie và Takekurabe (Higuchi Ichiyo), Futon (Tayama Katai), Hakai (Shimazaki Toson), Kokoro, Bocchan (Natsume Soseiki), Kumo no Ito, Rakushomon (Akutagawa Ryunosuke),...

Từ 1945 đến nay, văn học Nhật Bản được cho là giai đoạn văn học đại chúng. Văn học hiện đại giải quyết những vấn đề mới do hoàn cảnh xã hội ngày càng phức tạp không ngừng sinh sôi, nảy nở. Nhà văn của thời đại mới sống trong một môi trường thông tin đại chúng nên văn học của họ dù muốn dù không cũng trở thành văn học đại chúng. Giai đoạn này phong phú về thể loại, đa dạng về chủ đề; mở rộng tầm quan sát ra bốn hướng: chính trị, tính dục, giao lưu với nước ngoài cũng như đề cập đến những vấn đề đã không thể đề cập tới trong chiến tranh. Cũng trong giai đoạn này văn học lí luận phê bình phát triển, và đa dạng về tiểu thuyết, truyện ngăn, ký, thơ mới, kịch hiện đại,...

Không thể không kể tới hai tác giả tiêu biểu được nhận giải Nobel lĩnh vực văn chương; đó là Kawabata Yasunari và Oekenzaburo. Ngoài ra, thời kì này còn có rất nhiều các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như Ibuse Masuji, Tanizaki Junichiro, Murakami Haruki, Murakami Ryu, Tanaka Yasuo, Yoshimoto Banana, Levy Hideo, Ishiguro Kazuo……….

Tóm lại, có thể nói rằng văn học Nhật Bản được xếp là một trong những nền văn học ra đời sớm và có bề dày lịch sử và nhiều dấu ấn về thể loại, tác giả, tác phẩm. Văn học Nhật Bản có tính kế thừa, cái mới bổ sung cho cái cũ, tạo thành giá trị thẩm mĩ khác biệt. Văn học Nhật Bản có những dấu ấn riêng mang đậm hơi thở thời đại. Văn học Nhật Bản với thế giới quan dù có chịu sự chi phối của nước ngoài nhưng vẫn bám chắc và giữ bản sắc riêng của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Văn học Nhật Bản hiện đại đang vượt khỏi ý thức hệ và hướng tầm nhìn ra thế giới.

(Trích “Văn học Nhật Bản và sự tiếp nhận văn học Nhật Bản tại Việt Nam” – Viện nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF).


Các bài viết khác

Nghệ thuật thị giác và kiến trúc Nhật Bản

12/07/2023 824 lượt xem
Kể từ đầu thế kỉ XX, do Nhật Bản giao lưu rộng rãi với thế giới, tất cả các trào lưu kiến trúc trên thế giới đều lần lượt ảnh hưởng đến Nhật Bản. Ngày nay, ở Nhật có hàng trăm công trình khổng lồ mang các phong cách khác nhau, trong đó nhiều công trình xứng đáng được coi là những công trình vĩ đại của thế kỉ.

Vẻ đẹp của ngôn từ

14/06/2023 537 lượt xem
Đến một lúc, đọc sách không chỉ là tìm kiếm tri thức, những câu chuyện hay, mà còn để thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ.

Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức buổi diễn thuyết của Giáo sư danh dự Đại học Waseda Trần Văn Thọ

27/10/2022 1.081 lượt xem
Đại sứ quán Nhật Bản sẽ tổ chức buổi diễn thuyết của Giáo sư danh dự Đại học Waseda Trần Văn Thọ để ghi nhận những đóng góp của Giáo sư và kỷ niệm việc xuất bản cuốn sách mới do ông viết bằng tiếng Việt có tiêu đề là Kinh tế Nhật Bản- Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 -1973 phân tích các yếu tố làm nên thời đại tăng trưởng cao độ của Nhật Bản để Việt Nam tham khảo.

Giải Sách hay lần thứ XI: Đi tìm phẩm tính của người Việt

19/09/2022 1.226 lượt xem
Dù không đả động trực tiếp nhưng bàng bạc trong các tác phẩm được vinh danh trong Giải Sách hay năm 2022 là những nỗi niềm đau đáu được gợi ra từ cuộc hành trình đi tìm căn tính, phẩm giá của người Việt Nam.
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC QUỐC TẾ VIỆT