Hotline: 0987 28 28 26

Giáo dục tiếng Nhật ở bậc phổ thông tại Việt Nam: Những dấu mốc quan trọng được nhìn lại qua Diễn đàn giáo viên tiếng Nhật phổ thông Việt Nam lần thứ nhất (JLTF 2021)

21/12/2021 746 lượt xem
Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF) đưa tin, Ngày 28/11 vừa qua, Diễn đàn giáo viên tiếng Nhật phổ thông Việt Nam lần thứ nhất (JLTF 2021) đã diễn ra với sự hưởng ứng nhiệt liệt của nhiều giáo viên và các nhà chuyên môn đến từ nhiều vùng miền trên cả nướcThông qua Diễn đàn, hãy cùng nhìn lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của chương trình giáo dục tiếng Nhật ở bậc phổ thông tại Việt Nam.

Dấu mốc đầu tiên là năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tiếng Nhật được quyết định đưa vào giảng dạy từ lớp 6, thông qua Đề án thí điểm dạy tiếng Nhật tại Trường THCS và THPT (2003 – 2013). Trường được chọn đầu tiên thực hiện thí điểm này là Trường THCS Chu Văn An.
Năm 2005, Trường ĐHNN - ĐHQGHN đưa tiếng Nhật vào giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ. Đồng thời, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN mở chương trình đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Nhật với mục đích đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Nhật ở bậc Trung học phổ thông, Đại học và Cao đẳng có khả năng thích ứng cao, có kiến thức tốt về tiếng Nhật và kỹ năng giảng dạy thực tế. Đây là một động thái quan trọng giúp cho việc mở rộng tiếng Nhật được thực hiện tốt hơn ở các trường phổ thông khác. Tại thời điểm hiện nay - năm 2021, đây vẫn là chương trình đào tạo trình độ đại học ngành sư phạm tiếng Nhật duy nhất ở Việt Nam.
Với nỗ lực hợp tác mạnh mẽ của hai Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực Kinh tế -  Chính trị - Xã hội, tiếng Nhật không ngừng nâng cao vị thế, trở thành một trong những ngoại ngữ được quan tâm và yêu thích. Năm 2007, Bộ GD&ĐT quyết định đưa tiếng Nhật là một trong các môn ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, là môn ngoại ngữ thứ 5 được chính thức giảng dạy tại các trường THCS và THPT.
Một trong những chính sách quan trọng nhất thúc đẩy việc dạy và học tiếng Nhật ở Việt Nam giai đoạn này là Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020" (Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020), được Chính phủ phê duyệt tháng 09/2008. Mục tiêu chung của Đề án đưa ra là “Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Năm 2013, dưới sự nỗ lực không ngừng của nhiều cơ quan, ban ngành, lãnh đạo, các nhà chuyên môn cùng giáo viên và học sinh của các trường, Đề án (10 năm) thí điểm dạy tiếng Nhật tại trường THCS và THPT sau khi trải qua vòng thí điểm thứ 2 đối với học sinh lớp 12 học tiếng Nhật đã chính thức hoàn thành, bước sang giai đoạn phát triển sâu rộng, chuẩn bị đưa tiếng Nhật vào bậc tiểu học.

 
Ảnh minh họa từ Diễn đàn
 
Năm 2016, với sự hợp tác, hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam - Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), Bộ GD&ĐT thẩm định và thông qua chương trình tiếng Nhật bậc tiểu học thí điểm, thẩm định sách giáo khoa thí điểm lớp 3, đưa tiếng Nhật vào dạy thí điểm tại bậc tiểu học, bắt đầu từ lớp 3. Năm 2019, sau 3 năm thực hiện, tiếng Nhật được giảng dạy chính thức tại các trường tiểu học có nhu cầu và điều kiện.
Năm 2018, Bộ GD&ĐT thông qua Chương trình giáo dục ngoại ngữ 2 trong đó có tiếng Nhật, Quốc hội thông qua Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, tiếng Nhật – Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, được tổ chức giảng dạy có thể từ lớp 6 đến hết lớp 12, giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngoại ngữ để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho việc học tập và giao tiếp, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước. Chương trình môn Tiếng Nhật – Ngoại ngữ 2 được xây dựng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam với tổng thời lượng là 735 tiết (mỗi tiết là 45 phút) bao gồm cả các tiết ôn tập, kiểm tra và đánh giá. Chương trình được chia thành hai giai đoạn. Kết thúc giai đoạn 1, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật của học sinh tương đương với Bậc 1; kết thúc giai đoạn 2, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật của học sinh tương đương với Bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Thời lượng dành cho giai đoạn 1 là 420 tiết (trong 4 năm học), dành cho giai đoạn 2 là 315 tiết (trong 3 năm học).
Năm 2021, Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục tiếng Nhật ngoại ngữ 1. Tiếng Nhật - Ngoại ngữ 1 là môn học được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12 và tuân thủ các quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT về thời lượng dạy học môn học. Cụ thể, mỗi môn đều có thời lượng 1.155 tiết. Trong đó, cấp tiểu học có tổng số 420 tiết (4 tiết/ tuần); cấp THCS có tổng số 420 tiết (3 tiết/ tuần); cấp THPT có tổng số 315 tiết (3 tiết/ tuần).
Sau nhiều năm nỗ lực, tính đến tháng 01/2021, cả nước có 37 trường trung học phổ thông, 82 trường trung học cơ sở, 2 trường tiểu học dạy tiếng Nhật một cách chính thức. Ngoài ra, có một số trường dạy tiếng Nhật như môn ngoại khóa/ hoạt động CLB. Theo số liệu năm 2018, có 26.239 học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở, 2.054 học sinh tiểu học đang học tiếng Nhật. Con số này hiện nay đã tăng lên rất nhiều. Theo PGS.TS. Ngô Minh Thủy - Viện Trưởng Viện CLEF, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQGHN, để đáp ứng các điều kiện của môn Ngoại ngữ 1, cần chú trọng tới các vấn đề sau:
  • Giáo viên: số lượng, tiêu chuẩn, vấn đề đào tạo đội ngũ
  • Học sinh: Điều kiện, môi trường học tập/ sử dụng tiếng Nhật
  • Chính sách (đối với giáo viên, người học và môn học)
  • Thông tin liên quan môn học và hướng phát triển của học sinh
  • Mạng lưới, sự kết nối (giáo viên - giáo viên; học sinh - học sinh; giáo viên - học sinh; giáo viên, học sinh và môi trường văn hóa - ngôn ngữ Nhật Bản)
 
PGS.TS. Ngô Minh Thủy

Với mục đích xây dựng mạng lưới giáo viên tiếng Nhật, giúp cho các giáo viên tiếng Nhật ở nhiều cấp học có thể gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cũng như thông tin về giảng dạy tiếng Nhật, ở Diễn đàn lần thứ nhất này, Ban tổ chức tập trung vào việc cung cấp các kiến thức về chính sách liên quan đến đào tạo ngoại ngữ và đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam, việc xây dựng - cải biên khung chương trình, sách giáo khoa tiếng Nhật. Hy vọng ở những lần tổ chức tiếp theo, Diễn đàn sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự tham gia ủng hộ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tiếng Nhật phổ thông trên cả nước.
Nguồn: Clef.vn

Các bài viết khác

Nghệ thuật thị giác và kiến trúc Nhật Bản

12/07/2023 768 lượt xem
Kể từ đầu thế kỉ XX, do Nhật Bản giao lưu rộng rãi với thế giới, tất cả các trào lưu kiến trúc trên thế giới đều lần lượt ảnh hưởng đến Nhật Bản. Ngày nay, ở Nhật có hàng trăm công trình khổng lồ mang các phong cách khác nhau, trong đó nhiều công trình xứng đáng được coi là những công trình vĩ đại của thế kỉ.

Vẻ đẹp của ngôn từ

14/06/2023 520 lượt xem
Đến một lúc, đọc sách không chỉ là tìm kiếm tri thức, những câu chuyện hay, mà còn để thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ.

Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức buổi diễn thuyết của Giáo sư danh dự Đại học Waseda Trần Văn Thọ

27/10/2022 1.068 lượt xem
Đại sứ quán Nhật Bản sẽ tổ chức buổi diễn thuyết của Giáo sư danh dự Đại học Waseda Trần Văn Thọ để ghi nhận những đóng góp của Giáo sư và kỷ niệm việc xuất bản cuốn sách mới do ông viết bằng tiếng Việt có tiêu đề là Kinh tế Nhật Bản- Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 -1973 phân tích các yếu tố làm nên thời đại tăng trưởng cao độ của Nhật Bản để Việt Nam tham khảo.

Giải Sách hay lần thứ XI: Đi tìm phẩm tính của người Việt

19/09/2022 1.211 lượt xem
Dù không đả động trực tiếp nhưng bàng bạc trong các tác phẩm được vinh danh trong Giải Sách hay năm 2022 là những nỗi niềm đau đáu được gợi ra từ cuộc hành trình đi tìm căn tính, phẩm giá của người Việt Nam.
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC QUỐC TẾ VIỆT